Gần 1.000 tấn cá chết trắng
Trước đó, tối ngày 11/10, thuỷ điện Đồng Nai 5 xả lũ làm người nuôi cá bè ở hạ nguồn thuộc các xã trong huyện Định Quán phải cắt lưới bè, bỏ cá để cứu tài sản, số cá còn lại cũng đang chết dần vì tróc vảy. Đến trưa ngày 15/11, cơ quan chức năng vẫn chưa thống kê hết số lượng thiệt hại. Theo ước tính ban đầu, đến nay đã có gần 1.000 tấn cá chủ yếu là cá diêu hồng bị chết. Ngoài ra, cả ngàn hecta lúa, hoa màu… bị nước lũ nhấn chìm, gây thiệt hại về tài sản nghiêm trọng.
Theo ghi nhận của Phóng viên Ngày Nay tại các bè cá ở xã Thanh Sơn và xã Ngọc Định (huyện Định Quán), các hộ nuôi cá bị thiệt hại chủ yếu thuộc Tổ hợp tác nuôi cá bè Suối Soong 1 (đăng ký kinh doanh ở xã Phú Vinh, huyện Định Quán), trong đó có khoảng 25 hộ bị thiệt hại nặng. Đi dọc theo các làng nuôi cá, mùi hôi thối vì cá chết nồng nặc. Nơi đây hiện có nhiều thương lái về mua cá hỗ trợ bà con.
Ông Lý Quang Sơn (một chủ bè cá bị mất trắng) thuật lại: “Nước từ đầu nguồn tràn về vào khuya 11/10 rạng sáng ngày 12/10 rất khủng khiếp nên chúng tôi phải cắt lưới bè để cá trôi theo sông mới cứu bè, tài sản. Không có mưa lớn nhưng nước dâng cao và chảy xiết kinh khủng. Cá trong lồng bè chúng tôi nuôi đến kỳ thu hoạch vì dịch bệnh bán chưa được nên cá trong bè nhiều, mỗi bè cá hơn 10 tấn cá; nếu không cắt lưới lồng bè cho cá trôi đi theo nước lũ thì toàn bộ tài sản và con người sẽ bị chìm. Tôi phải cắt bỏ lưới bao hết 6 bè của mình, mất hơn 70 tấn cá; đây là tài sản của tôi phải cầm cố sổ đỏ để vay ngân hàng gần 2 tỷ đồng đề đầu tư, bây giờ mất trắng hết.”
Người dân vớt cá chết lên khỏi bè |
Anh Trần Quang Tỉnh (người nuôi cá gần hộ ông Sơn) nói: “Thuỷ điện Đồng Nai 5 xả mạnh đêm 11/10. Họ xả lũ bất ngờ, đa số vào ban đêm nên chúng tôi không thể cứu được. Năm 2018 và năm trước họ cũng xả như thế gây thiệt hại trắng tay rồi năm nay họ cũng xả bất ngờ lúc nữa đêm. Tất cả lại trôi theo dòng nước. Tôi có khoảng 70 tấn nhưng cứu được hơn 10 tấn mà cá bị tróc vảy, thân cá bị đỏ thế này nên cũng đang chết dần. Cá này khi chết chúng tôi có thể bán được 15.000 đồng/ký. Nếu bình thường, giá cá hiện hơn 40.000 đồng/ký”.
Anh Tỉnh nói thêm: “Nếu họ xả lũ ban ngày chúng tôi còn cứu được nhiều cá, đằng này họ cứ xả ban đêm làm sao trở tay kịp”.
Chị T.C.H (một tiểu thương đi mua cá) nói: “Tội lắm, chúng tôi đi mua cá chết do tróc vảy từ 15.000 đồng đến 17.000 đồng để bán giúp họ. Cá này mua về bán ngay cho quán ăn hay cơ sở xử lý chỉ một số ít thôi chứ không ai mua nhiều. Còn lại từng đống cá chết la liệt chỉ mua làm phân chăn nuôi giá chừng 2.000 – 3.000 đồng/ký”.
Theo người dân, các năm trước việc xả lũ cũng gây thiệt hại nhưng họ chỉ có hỗ trợ, còn đền bù thiệt hại thì không.
Cá tróc vảy chết ngày càng nhiều. |
Thiệt hại hàng tỷ đồng
Bà Dương Thúy Diễm, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi cá bè Suối Soong 1 nói: “Khi thiệt hại xảy ra, chính quyền địa phương có vào hiện trường nắm bắt sự việc. Họ đã giúp các hộ trực tiếp cứu với cá lên để bán. Còn thiệt hại cụ thể còn phải đợi thống kê, ước tính thiệt hại lên đến hàng chục tỷ”.
Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết: “Nguyên nhân khách quan là mực nước sông Đồng Nai dâng lên quá nhanh. Có thể nguồn nước từ thuỷ điện xả lũ, cũng có khả năng do từ các địa phương trên thượng nguồn xảy ra mưa lớn nên nước đầu nguồn kéo về đột ngột.
Còn nguyên nhân chủ quan là do đợt dịch Covid-19 kéo dài, lượng cá trong lồng bè lớn hơn bình thường. Đến ngày, đến giờ xuất nhưng không xuất được thì người dân giữ lại trong lồng bè, khối lượng cá lớn quá, khi nước lũ kéo về bình thường cá nhỏ có thể chịu đựng được, nước lớn quá mật độ cá cao, va đập mạnh, dòng chảy siết dẫn đến cá chết”.
Người dân thiệt hại hàng tỷ đồng. |
Một Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, cho biết: “Tỉnh đã giao cho huyện nắm lại toàn bộ thiệt hại và đề xuất hướng hỗ trợ cho người dân. Trước đây, tỉnh đã chỉ đạo đăng ký và kiểm tra để hướng dẫn người dân giảm mật độ cá trong lồng để nếu có mưa lũ như mọi năm thì không bị thiệt hại nhưng như hiện tại họ báo cáo mật độ cá quá lớn trong lồng bè, cần nhiều xác minh và đề xuất mới có hướng giải quyết hỗ trợ cho người nuôi cá cụ thể”.