Ngồi thất thần bên hàng chục lồng cá trống không, ông Đỗ Văn Tăng (Tân Thanh, Cái Bè) cho biết, ông nuôi tổng cộng 17 lồng cá diêu hồng, ước lượng khoảng hàng trăm tấn cá. Số cá này nuôi được bốn tháng, trọng lượng nửa ký mỗi con, thương lái đã đến đặt cọc giá 40.000 đồng một kg và chỉ còn một tuần nữa xuất bán.
Các hộ dân vớt cá chết bán làm phân bón. Ảnh: An Nam. |
"Cá đang khỏe mạnh, ăn bình thường, bỗng dưng một tuần trước bắt đầu chết lai rai, mấy ngày sau thì chết trắng bè", ông Tăng nói và cho biết, gia đình ông đã vớt cá chết lẫn cá yếu bán cho thương lái làm phân bón, thức ăn gia súc với giá bèo bọt từ 1.500 đến 2.000 đồng một kg. Tính bình quân mỗi ký cá ông mất khoảng 30.000 đồng. "Vụ này, gia đình tôi lỗ trên hai tỷ đồng", ông nói.
Bị chết 20 tấn cá, ông Lê Văn Tuân, một hộ nuôi cá khác cho biết, hiện với các lồng bè còn lại, nông dân lo lắng cá tiếp tục chết nên phải bán tháo, bị thương lái ép giá.
"Tôi nuôi cả chục năm rồi mới xảy ra tình trạng này. Cá chết, tiền thức ăn từ đầu vụ đến giờ vẫn chưa thanh toán cho đại lý, nhiều người còn nợ ngân hàng, chúng tôi không biết xoay vốn thế nào để thả cá lại", ông Tuân chua xót nói.
Dọc sông Cái Nhỏ có 15 hộ nuôi cá với trên 100 lồng bè. Cá chết nhiều tập trung ở lồng nuôi của 5 hộ, những bè khác cũng có tình trạng tương tự nhưng không đáng kể.
Người dân địa phương cho biết, trước đây, khu vực này thường xuất hiện những người dùng thuốc độc đánh bắt tôm, nên họ nghi đây là nguyên nhân khiến cá chết.
Số cá diêu hồng chết chỉ còn một tuần nữa được xuất bán. Ảnh: An Nam. |
Ông Nguyễn Tấn Cường, Chủ tịch UBND xã Tân Thanh, cho biết đã cử cán bộ hỗ trợ người dân di dời các lồng cá qua khu vực bên kia sông để tránh nguồn nước độc hại.
"Ước tính đợt này có hơn 160 tấn cá chết bất thường. Chúng tôi nhận định nhiều khả năng do lũ lớn, các cánh đồng lân cận xả lũ làm cá chết", ông Cường nói và cho biết chính quyền địa phương đang phối hợp với ngành chức năng tiếp tục xác định nguyên nhân.