Tại đây, ông Lê Hoàng Quân, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; ông Thái Bảo, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai; ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai; ông Nguyễn Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Thông tấn xã Việt Nam, Giám đốc Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam; cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân đã đến thắp hương tại các bia mộ, tưởng nhớ đến các Anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhân dịp này, các đại biểu cũng đến thắp hương tại Nhà bia tưởng niệm của Thông tấn xã Giải phóng.
Theo Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, ngày 10/10/1961, Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Cục miền Nam đã diễn ra tại Mã Đà dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Tại đây, Trung ương Cục đã xây dựng và kiện toàn bộ máy lãnh đạo; 12 cơ quan tham mưu cho lãnh đạo, trong đó có Thông tấn xã Giải phóng và Đài phát thanh Giải phóng.
Các đại biểu tham quan, thắp hương tại Nhà bia tưởng niệm của Thông tấn xã Giải phóng. |
Ngoài ra, Trung ương cục miền Nam còn có nhiệm vụ xây dựng quân Giải phóng miền Nam, đón tiếp lực lượng cán bộ tập kết và chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho miền Nam, xây dựng hậu cần, tích lũy lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…
Trung ương Cục miền Nam trú đóng trong một thời gian ngắn tại Chiến khu Đ (1961- 1962), nhưng căn cứ kháng chiến này đã trở thành biểu tượng cho ý chí chiến đấu của quân và dân ta, trong đó có lực lượng phóng viên Thông tấn xã Giải phóng.
Đông đảo cựu chiến binh và các tầng lớp nhân dân về tham dự lễ giỗ cho các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Chiến khu D (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). |
Các đại biểu tham quan, thắp hương tại bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Chiến khu D (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). |
Trong thời gian hoạt động tại đây, Thông tấn xã Giải phóng là cơ quan phải di dời nhiều nhất sau mỗi lần phát tin. Nguyên nhân là do mỗi lần Thông tấn xã Giải phóng phát tin về Tổng xã (Hà Nội) là quân địch tìm cách dò ra tần số thông tin, địa điểm phát tin và dội bom đánh phá nơi đó.
Hiện Nhà bia tưởng niệm của Thông tấn xã Giải phóng nói riêng và bia di tích tưởng niệm của khu căn cứ Chiến khu Đ là địa chỉ đỏ nổi tiếng được các công ty du lịch lữ hành, các lão thành cách mạng, các trường học, sinh viên, học sinh… chọn là điểm đến trong hành trình về nguồn, ôn lại truyền thống cách mạng, lòng yêu nước của quân và dân ta trong các cuộc đấu tranh chống Mỹ./.