Đủ cơ sở nâng tốc độ đường cao tốc 4 làn xe lên 90 km/h

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Cục Đường cao tốc Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải về nghiên cứu, đánh giá tổng quan khả năng nâng tốc độ khai thác (tốc độ tối đa cho phép) đối với đường cao tốc phân kỳ đầu tư 4 làn xe với bề rộng làn 3,5m từ 80 km/h hiện nay lên 90 km/h.
Cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 nối địa bàn tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa.
Cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 nối địa bàn tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa.

Tăng tốc độ, nâng cao hiệu quả đầu tư

Theo Cục Đường cao tốc Việt Nam, thời gian vừa qua, nhiều tuyến đường cao tốc như một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ đã được đưa vào khai thác, sử dụng.

Trong bối cảnh nguồn lực kinh tế còn khó khăn, để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư, Quốc hội và Chính phủ đã thông qua chủ trương phân kỳ đầu tư xây dựng một số tuyến với mặt cắt ngang 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/h.

Một số đoạn tuyến cao tốc đã hoàn thành đầu tư xây dựng theo phương án phân kỳ và đưa vào khai thác như đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận. Một số tuyến sẽ hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2023 như Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Các đoạn tuyến này được phê duyệt phương án tổ chức giao thông với tốc độ tối đa cho phép 80 km/h, tốc độ tối thiểu cho phép 60 km.

Về cơ sở để nâng cao tốc độ lên 90 km/h, Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết, theo hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam và quốc tế có hai loại tốc độ là tốc độ thiết kế và tốc độ khai thác.

Tốc độ thiết kế trong các tiêu chuẩn của Việt Nam và các nước trên thế giới đều dùng để tính toán các tiêu chuẩn kỹ thuật hình học giới hạn chủ yếu của đường trong trường hợp khó khăn về địa hình. Tốc độ này khác với tốc độ lưu hành cho phép. Tốc độ lưu hành cho phép, phụ thuộc tình trạng thực tế của đường chức năng của tuyến đường, địa hình, tình trạng kỹ thuật của đường và khí hậu, thời tiết, điều kiện giao thông nhằm đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình khai thác.

Tốc độ thiết kế được xác định, lựa chọn trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường và là giá trị không đổi trong suốt quá trình xây dựng và khai thác của dự án.

Tốc độ khai thác được xác định, lựa chọn trong quá trình tổ chức vận hành, khai thác các tuyến đường và được thường xuyên đánh giá để điều chỉnh, lựa chọn phù hợp với từng giai đoạn khai thác.

"Thông thường, tốc độ tối đa cho phép lớn hơn hoặc bằng tốc độ thiết kế đã lựa chọn. Các cơ quan quản lý tuyến đường căn cứ vào điều kiện thực tế để xem xét, đánh giá và quy định cho phù hợp, đảm bảo điều kiện an toàn giao thông cho phương tiện trong quá trình khai thác", Cục Đường cao tốc Việt Nam đánh giá.

Cũng theo Cục Đường cao tốc Việt Nam, trong các văn bản pháp luật như Nghị định 32/2014/NĐ-CP về quản lý, khai thác và bảo trì đường cao tốc quy định, tốc độ lưu hành cho phép sẽ được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong phương án tổ chức giao thông đường cao tốc. Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt phương án, phê duyệt điều chỉnh phương án tổ chức giao thông đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý.

Tại tiêu chuẩn cơ sở 42:2022/TCĐBVN cũng quy định: Trong thời gian phân kỳ đường cao tốc có thể chấp nhận cho hạn chế tốc độ khai thác cho phép thấp hơn tốc độ của đường cao tốc trong tương lai (khi đã được xây dựng hoàn chỉnh). Việc lựa chọn tốc độ khai thác sẽ do cơ quan có thẩm quyền quyết định trong phương án tổ chức giao thông. Tốc độ khai thác cho phép phụ thuộc vào tình trạng thực tế của đường, điều kiện thời tiết, tình trạng giao thông. Trong mọi trường hợp, tốc độ khai thác tối đa không nên quá 90 km/h.

Từ phân tích trên, Cục Đường cao tốc Việt Nam cho rằng, việc nghiên cứu, xem xét nâng cao tốc độ tối đa cho phép trong quá trình khai thác các tuyến đường cao tốc trong giai đoạn phân kỳ 4 làn xe hạn chế, ngắt quãng dải dừng xe khẩn cấp từ tốc độ tối đa cho phép 80 km/h lên tốc độ đa cho phép 90 - 100 km/h là có cơ sở khoa học, lý luận và thực tiễn.

"Việc điều chỉnh này sẽ góp phần nâng cao tốc độ hành trình của phương tiện tham gia giao thông, nâng cao mức độ phục vụ của tuyến đường, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và hiệu quả khai thác các đoạn tuyến, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các đoạn tuyến đi qua", Cục Đường cao tốc Việt Nam đánh giá.

Đối với các tuyến cao đầu tư xây dựng phân kỳ 4 làn xe hạn chế đã đưa vào khai thác như Cao Bồ - Mai Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Cục Đường cao tốc Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét nâng tốc độ tối đa cho phép tại các tuyến lên 90 km/h đối với một số loại phương tiện như xe ô tô con, xe ô tô chở người đến 30 chỗ (trừ xe buýt); ô tô tải có trọng tải nhỏ hơn hoặc bằng 3,5 tấn, các phương tiện còn lại giữ nguyên tốc độ tối đa cho phép 80 km/h đã được phê duyệt tại phương án khai thác; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh phương án tổ chức giao thông của tuyến đường cao tốc tạm thời theo quy định.

Riêng đối với tuyến Cao Bồ - Mai Sơn, có một số đoạn tuyến hiện không có dải phân cách giữa giữ nguyên tốc độ tối đa cho phép với các đoạn tuyến này.

Tiếp tục nghiên cứu nâng lên 100 km/h

Đối với các tuyến cao tốc Bắc - Nam đầu tư xây dựng phân kỳ 4 làn xe hạn chế chuẩn bị đưa vào khai thác trong năm 2023 và các năm tiếp theo như Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Cục Đường cao tốc Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các Ban quản lý dự án, nhà đầu tư rà soát ngay phương án tổ chức giao thông nghiên cứu đề xuất xem xét nâng tốc độ tối đa cho phép tại các tuyến lên 90 km/h đối với một số loại phương tiện.

Giai đoạn tiếp theo, Bộ Giao thông Vận tải giao các Cơ quan quản lý đường bộ tổng kết đánh giá việc thực tiễn việc quản lý, vận hành phương án tổ chức khai thác các tuyến cao tốc phân kỳ 4 làn xe thí điểm cho phép tốc độ tối đa 90 km/h đối với một số loại phương tiện như xe ô tô con, xe ô tô chở người đến 30 chỗ; ô tô tải có trọng tải nhỏ hơn hoặc bằng 3,5 tấn làm cơ sở triển khai áp dụng đại trà.

Tiếp tục nghiên cứu xem xét nâng tốc độ tối đa cho phép 90 km/h đối với các phương tiện còn lại được phép tham gia giao thông trên đường cao tốc như xe ô tô chở người trên 30 chỗ; ô tô tải có trọng tải trên 3,5 tấn; ô tô đầu kéo kéo sơ-mi rơ-moóc; xe mô tô; ô tô chuyên dùng trên các tuyến đường cao tốc này.

"Giao Cục Đường cao tốc Việt Nam phối hợp các cơ quan đơn vị nghiên cứu đầy đủ cơ sở lý luận, cơ sở khoa học và thực tế đã thí điểm nêu trên, xem xét việc tiếp tục nâng tốc độ đa cho phép 100 km/h đối với các tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư xây dựng 4 làn xe hạn chế, ngắt quãng dải dừng xe khẩn cấp, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xem xét quyết định", Cục Đường cao tốc Việt Nam kiến nghị.

Tham khảo một số nước trên thế giới về vấn đề này, Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết, trên thế giới hiện nay, một số quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc tổ chức triển khai đánh giá lựa chọn tốc độ tối đa cho phép, trong quá trình khai thác thường lựa chọn tốc độ tối đa cho phép bằng với tốc độ thiết kế với dải tốc độ tối đa cho phép từ 80 - 140 km/h; trong đó dải tốc độ tối đa cho phép phổ biến là 100 - 120 km/h.

Tuy nhiên, có một số quốc gia lựa chọn thường lựa chọn tốc độ tối đa cho phép lớn hơn với tốc độ thiết kế, thậm chí có những nước như như ở Đức không khống chế tốc độ tối đa, đối với đường Autobahn tốc độ thiết kế đối với ngoài đô thị vận tốc 70, 80, 90 km/h hoặc tối đa là 110km/h nhưng khi vận hành phương tiện trên đường Autobahn trừ những chỗ thông báo hạn chế tốc độ người lái phải tuân thủ, còn lại họ chạy theo khả năng cho phép.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.