Đầu tháng 3/2015, Thanh tra Chính phủ có kết luận chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến việc sử dụng vốn, đất đai tại khu Công nghệ cao Hoà Lạc (CNCHL), trong đó có việc chuyển nhượng đất trái phép, đền bù sai đối tượng sử dụng đất, hỗ trợ sai chính sách.
Cử người ra nước ngoài gấp đôi dự toán ban đầu
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc quản lý sử dụng vốn tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc giai đoạn 2004-2012, việc điều chỉnh quy hoạch khu công nghệ cao này còn chậm, thuyết minh quy hoạch có một số nội dung sai lệch, chưa phù hợp với thực tiễn, cập nhật số liệu hiện trạng chưa chính xác, thiếu quy định về các khu vực cấm xây dựng.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc mắc nhiều sai phạm, theo kết luận của Thanh Tra Chính phủ |
Việc lập dự toán và thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng có nhiều vi phạm trong các giai đoạn thiết kế, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán làm tăng không đúng giá trị tổng dự toán các gói thầu với số tiền trên 40,1 tỷ đồng; thi công xây lắp, điều chỉnh giá theo quy định và nghiệm thu thanh toán với tổng số tiền vi phạm trên 10,2 tỷ đồng.
Tại dự án dò mìn khu vực 600 ha, hồ sơ hoàn công và chứng từ thanh quyết toán có nhiều mâu thuẫn và chưa đủ căn cứ pháp lý, số liệu hạch toán về chi phí nhân công và chi phí máy thi công của đơn vị thi công chênh lệch tới trên 7,1 tỷ đồng (chiếm 35% giá trị quyết toán).
Liên quan đến việc giải phóng mặt bằng và đền bù đất cho người dân, tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Khu công nghiệp Bắc Phú Cát ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) không đồng bộ, hiện tượng dân tái lấn chiếm, chây ì, cơi nới, xây dựng công trình trong khu vực dự án diễn ra phức tạp nhưng không được xử lý triệt để.
Hiện tượng chuyển nhượng trái phép giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, áp đơn giá bồi thường không đúng; bồi thường vượt hạn mức, hỗ trợ không đúng chính sách, giao đất cho Công ty TNHH Toàn Thắng trái quy định, sử dụng tiền bồi thường đất công ích không đúng chính sách... với tổng số tiền vi phạm trên 16,5 tỷ đồng.
Việc đền bù giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Bắc Phú Cát trên địa bàn xã Phú Cát, huyện Quốc Oai (Hà Nội) không đối trừ 50% tiền sử dụng đất khi đền bù cho người được chia tách đất; hỗ trợ sai chính sách, sử dụng sai mục đích tiền thu của dân nộp tiền sử dụng đất tái định cư, tiền đấu giá đất và chưa chi trả tiền bồi thường đất công ích cho xã với tổng số tiền vi phạm trên 46,7 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ cũng kết luận, việc quy hoạch và đầu tư xây dựng khu tái định cư tại huyện Quốc Oai không đáp ứng được nhu cầu, tiến độ xây dựng chậm, chưa thu tiền đầu tư hạ tầng và tiền sử dụng đất của Công ty cổ phần dịch vụ thương mại Lã Vọng với số tiền trên 46,23 tỷ đồng.
Ngoài ra Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, Ban quản lý khu Công nghệ cao Hòa Lạc tổ chức các đoàn đi công tác, trao đổi kinh nghiệm và học tập ở nước ngoài, có tới 32 đoàn đi không báo cáo kết quả chuyến đi, 20 đoàn không có kế hoạch được duyệt, quyết định cho 21 người đi nước ngoài không đúng thành phần...
Bộ KH&CN nói gì?
Ông Phạm Đại Dương, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hoà Lạc, Bộ KH&CN cho biết: "Trước hết, tôi xin bày tỏ quan điểm đồng tình với công tác thanh tra định kỳ của Thanh tra Chính phủ đối với Khu CNCHL".
Công tác GPMB được Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND Tỉnh Hà Tây trước đây và UBND TP Hà Nội hiện nay chủ trì tổ chức thực hiện. Đây là một trong những công tác khó khăn nhất trong quá trình triển khai dự án. Trong thời gian qua, chúng tôi đã sát cánh với chính quyền địa phương, phối hợp rất chặt chẽ, quyết tâm hoàn thành công tác GPMB.
Tại Thông báo số 433/TB-VPCP ngày 18/11/2014 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp xử lý sau thanh tra việc quản lý sử dụng vốn tại Khu CNC Hòa Lạc đã đánh giá: “Quá trình xây dựng Khu CNC Hòa Lạc đã tiến hành nhiều năm qua nhưng gặp nhiều khó khăn do thay đổi về cơ chế chính sách, mô hình tổ chức hoạt động, thiếu vốn và việc mở rộng Thủ đô Hà Nội đã ảnh hưởng đến tiến độ, nhất là công tác GPMB. Biểu dương Bộ KH&CN, UBND TP Hà Nội, Ban Quản lý Khu CNCHL thời gian qua đã triển khai được khối lượng công việc lớn, đã giải phóng được gần 1.000 ha đất, thu hút được nhiều dự án tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao”.
Đối với nội dung này, một phần do các văn bản pháp luật chưa đi kịp với thực tế, một phần do thay đổi cơ chế chính sách nên đã làm chậm tiến độ GPMB. Đặc biệt từ giai đoạn trước năm 2012, theo Báo cáo số 1536/TTCP-V4 ngày 25/10/2004 của Đoàn thanh tra liên ngành đã kết luận các vi phạm của UBND tỉnh Hà Tây trong việc quy định chính sách đền bù, hỗ trợ cho một số đối tượng sử dụng đất.
Những nội dung kết luận này đã khiến cho công tác bồi thường GPMB bị đình trệ một thời gian dài, cho đến khi được Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ và cho phép thực hiện các chính sách mà UBND tỉnh Hà Tây đã áp dụng trước đây và bị Đoàn Thanh tra liên ngành kết luận là sai phạm (tại văn bản số 10610/VPCP-KGVX ngày 25/12/2012).
Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ vướng mắc đến nay, công tác GPMB Khu CNC mới có thể bắt đầu triển khai mạnh mẽ và nhanh chóng trở lại. Đối với Kết luận lần này, Ban Quản lý sẽ phối hợp với UBND TP Hà Nội báo cáo các Bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho phép áp dụng một số chính sách phù hợp với thực tế để công tác GPMB được thuận lợi và tiến triển nhanh hơn.
Theo Kết luận thanh tra: “lập dự toán và thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng có nhiều vi phạm trong các giai đoạn thiết kế, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán làm tăng không đúng giá trị tổng dự toán các gói thầu với số tiền là 40.153,29 triệu đồng...", Ban Quản lý thấy có một số quan điểm chuyên môn kỹ thuật và thực tế triển khai trên công trường cần thống nhất như sau:
Quan điểm về tận dụng đất đào đắp cấp III: Việc tận dụng đất đào để cân bằng đào đắp là phù hợp, tuy nhiên việc tận dụng được bao nhiêu % khối lượng đất đào còn phải phụ thuộc vào thực tế khi thi công và đặc tính cơ lý của đất (độ ẩm, thành phần hạt, chất lượng đất...), tư vấn khi lập dự toán tận dụng 60% nhưng theo quan điểm của thanh tra là 80%. Ngoài ra việc tận dụng đất đào cũng phải tính thêm chi phí vận chuyển từ nơi đào sang nơi đắp nhưng thanh tra không đồng ý khoản chi phí này.
Quan điểm về vận dụng định mức: Một số công tác xây dựng không có trong định mức nên trong quá trình thực hiện đơn vị tư vấn đã vận dụng mã định mức khác có tính chất tương tự để tính toán thanh tra có quan điểm khác.
Con số 40.153,29 triệu đồng là sai sót trong quá trình lập dự toán với những nguyên nhân như nêu trên, không phải là con số thất thoát. Trong thực tế việc thanh toán được thực hiện theo khối luợng nghiệm thu thực tế và đơn giá tại thời điểm nghiệm thu. Do vậy, Thanh tra chính phủ chỉ giảm trừ chi phí thiết kế của đơn vị tư vấn đối với phần dự toán tính vượt.
Về việc 20 đoàn đi không có trong kế hoạch được duyệt và Quyết định cho 21 người đi nước ngoài không đúng thành phần (từ 2002 đến 2012) như trong Kết luận Thanh tra: Theo qui định về ngân sách, hàng năm Ban Quản lý phải lập kế hoạch để được cấp kinh phí hoạt động vào tháng 7 năm trước trong đó có kế hoạch các đoàn đi công tác nước ngoài.
Tuy nhiên trong thực tế khi có các yêu cầu đột xuất tham gia tháp tùng hoặc là thành viên của các đoàn công tác của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các Bộ hoặc theo yêu cầu đột xuất của các đối tác nước ngoài, các cơ quan/ tổ chức của Việt Nam... Ban Quản lý không thể đưa vào kế hoạch và dự toán được lập từ năm trước.
Còn việc quyết định cho 21 người đi nước ngoài chưa đúng thành phần thì các đối tượng này chủ yếu là các cán bộ của các Bộ, ngành, địa phương liên quan trực tiếp đến trong việc xây dựng và phát triển Khu CNC Hòa Lạc. Do Khu CNC Hòa Lạc là mô hình đầu tiên, còn khá mới mẻ và chưa có kinh nghiệm ở Việt Nam nên để tham gia cùng với Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc xây dựng các chính sách, các cán bộ này cần được nắm rõ kinh nghiệm xây dựng, vận hành và mô hình một số khu công nghệ cao trên thế giới để từ đó có căn cứ thực tiễn để xử lý các vấn đề liên quan đến Khu CNCHL. Khi tham gia đoàn công tác các đối tượng này đều có quyết định cử đi của cấp có thẩm quyền quản lý về nhân sự.
Theo quan điểm của chúng tôi, công tác thanh tra là công tác hết sức cần thiết theo đúng chủ trương chính sách của Nhà nước. Qua công tác thanh tra, chúng tôi đã và tiếp tục cương quyết khắc phục những nội dung thiếu sót vi phạm được nêu trong kết luận, đồng thời tiếp tục tham mưu, kiến nghị tới các cơ quan liên quan để sớm hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp lý phù hợp với thực tế triển khai.
Trong thời gian vừa qua, Ban Quản lý thường xuyên báo cáo Bộ KH&CN để tìm ra các giải pháp tháo gỡ những khó khăn và tồn tại cả về khách quan và chủ quan. Đến nay, hầu như mọi khó khăn khách quan đã được tháo gỡ, năm 2014 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận đặc biệt là trong công tác GPMB.
Xem thêm:
- Viện trưởng Viện Toán ủng hộ thành lập V-KIST
- Đại biểu Bùi Thị An: Yêu cầu công khai kết quả tất cả các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước