TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Tại Việt Nam, theo Báo cáo của Bộ Công an cuối năm 2018 có khoảng hơn 220.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó trên 60% là nghiện các chất dạng thuốc phiện. Người nghiện chất dạng thuốc phiện, tiêm chích ma túy là nhóm có tỷ lệ nhiễm HIV cao do sử dùng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích ma túy.
Nghiện ma túy hiện được coi là bệnh mạn tính của não bộ, chưa có phương thuốc đặc hiệu để chữa khỏi. Các giải pháp cai nghiện hiệu quả không cao, tỷ lệ tái nghiện lớn. Do vậy, hơn 80 quốc gia trên thế giới đã triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện cho hàng triệu bệnh nhân bằng thuốc thay thế, chủ yếu là Methadone, Subuxone và Buprenorphine.
Tại Việt Nam, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện đã được triển khai 10 năm qua. Tất cả các tỉnh/TP trên toàn quốc đã triển khai điều trị với hơn 54.000 người bệnh đang được điều trị bằng Methadone. Mặc dù methadone mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt như giảm tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm nghiện chất ma tuý giảm nhanh; giảm lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường máu như giang mai, viêm gan... Giảm rõ rệt tội phạm liên quan đến ma túy, trật tự, an ninh xã hội được ổn định rõ rệt...
Tuy nhiên, do điều trị Methadone phải sử dụng hàng ngày nên gia tăng người bệnh có xu hướng bỏ điều trị-nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đây là một trong những lý do Bộ Y tế bắt đầu triển khai điều trị Buprenorphine, là một giải pháp bổ sung cho điều trị Methadone.
Tại Việt Nam, thuốc Buprenorphine được triển khai thí điểm tại TP HCM từ năm 2013 và tại Hà Nội từ năm 2015. Sau triển khai thí điểm, qua đánh giá cho thấy điều trị Buprenorphine thu được nhiều kết quả tốt. Về chuyên môn, Buprenorphine có tác dụng như Methadone, giúp người nghiện giảm và tiến đến ngừng lệ thuộc các chất dạng thuốc phiện khác, giảm hội chứng cai; Phòng được các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV, viêm gan B, viêm gan C...
Đồng thời, tác dụng của Buprenorphine kéo dài nên bệnh nhân chỉ phải đến cơ sở y tế 2-3 ngày một lần ngậm thuốc khi đã đạt ổn định liều. Điều này giúp giảm thời gian đi lại cho người bệnh, đặc biệt phù hợp với các bệnh nhân ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa… Trên cơ sở kết quả từ các điểm điều trị ban đầu tại 3 tỉnh Điện Biên, Sơn La và Nghệ An trong đợt này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế có kế hoạch mở rộng ra các tỉnh, TP trước mắt ưu tiên các tỉnh miền núi và sau đó mở rộng ra trên toàn quốc, TS Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.