Hồi đầu phong trào, mỗi khi đi công tác địa phương, tôi đều dành một buổi tối đi chợ đêm, với hy vọng được trải nghiệm cuộc sống về đêm nơi mình đến, và nhanh chóng thất vọng. Các khu chợ đêm, thường được gọi là phố đi bộ ấy, ở đâu cũng giống nhau, với những sạp hàng bán đồ ăn uống, đồ gia dụng, quần áo giảm giá... nó là chợ thuần túy, thậm chí giống với một sạp tạp hóa khổng lồ bán buổi tối, rất ít giá trị giải trí, và hầu như không có giá trị trải nghiệm đối với du khách. Những khu phố đêm ấy thường đi ngủ trước nửa đêm. Tôi đã rất buồn cười khi người ta bảo rằng đó là một sản phẩm du lịch của địa phương.
Thực ra việc tạo ra những khu phố đêm và coi cuộc sống về đêm của một địa phương như một sản phẩm du lịch là một ý tưởng tốt. Nhưng nếu chỉ ngăn một đoạn phố cấm phương tiện, cho bán hàng trên đường vài tiếng buổi tối rồi coi đó là sản phẩm du lịch thì ý nghĩ đó rất là cẩu thả. Bởi cuộc sống về đêm của du khách không phải là khoảng thời gian kéo dài của một ngày, mà là một trải nghiệm mới, một chiều không gian khác với cuộc sống thông thường của một địa phương, đó là thế giới của những người đi du lịch, để hưởng thụ một cảm giác khác với những khoảng thời gian thường có trong năm.
Temple Bar là một khu phố nổi tiếng của thành phố Dublin, một địa điểm mà không một du khách nào bỏ qua khi đến Ireland. Ở đó không có gì đáng kể, một khu phố vắng lặng im lìm bên dòng sông Liffley vào ban ngày. Khu phố ấy chỉ thức giấc sau 21h00, khi những quán bar rục rịch mở cửa, và Temple Bar trở thành thiên đường của cuộc sống về đêm với âm nhạc, bia Guinness, và đủ mọi loại hình giải trí cho những người không ngủ.
Tôi đến Dublin, và có lẽ sẽ không nhớ nhiều về thành phố ấy, bởi những công trình kiến trúc, bởi phong cảnh, bởi con người, thậm chí cả văn hóa... bề ngoài không mấy khác biệt so với rất nhiều thành phố khác khắp châu Âu cổ kính. Nhưng sau một đêm vui tưng bừng ở Temple Bar, đi bộ về khách sạn trên những con đường lát đá, đầu lưỡi vẫn còn vị đắng của bia Guinness, trong tai còn văng vẳng những giai điệu của dân ca Celtic, thì tôi nhìn thấy một Dublin khác, thiết tha đồng vọng, và bắt đầu nghĩ tới một ngày nào đó trong đời sẽ trở lại nơi này.
Đi nhiều thành phố khác nhau trên thế gian này, đôi khi tôi tự hỏi vì sao có những thành phố tôi muốn trở lại với nhớ nhung da diết, có những thành phố mà ký ức mờ nhòa? Và rồi tôi nhận ra ký ức là sản phẩm của cuộc sống về đêm. Chỉ những thành phố có một cuộc sống về đêm sôi động, đủ khiến tôi không muốn ngủ vùi trong khách sạn hàng đêm mới tạo nên ký ức khó phai. Đó là điều mà những Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Hạ Long đều không hề có.
Đêm ở những thành phố du lịch trọng điểm của chúng ta đều chìm trong giấc ngủ bởi không có gì để giữ chân du khách sau 22h đêm. Ngoài các khu phố đi bộ ăn quà vặt và mua hàng hạ giá, chúng ta không có gì. Dù muốn, cũng không ai mở nhà hàng suốt đêm vì du khách không thức đêm chỉ để ăn.
Những nhà hàng, quán bar chỉ có thể sống về đêm trong một bầu không khí hội hè thâu đêm, với những sản phẩm văn hóa giải trí đa dạng. Đó là điều còn thiếu để giữ chân du khách, để khiến họ nhớ thương và mong muốn được trở lại Việt Nam.