Vui vì các khu di tích, chùa chiền đã bắt đầu ấm lên, nhưng vẫn có gì canh cánh về sự đông đúc quá tải giữa mùa COVID-19.
Đối với người Việt Nam đi lễ chùa đầu năm là một nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh. Đi lễ chùa là để hướng về cõi Phật, cầu cho bản thân và gia đình dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, quốc thái, dân an, mùa màng tươi tốt. Đây là một trong những nét đẹp văn hóa mà dân gian đã gìn giữ và lưu truyền trong suốt hàng ngàn năm qua. Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh hoành hành khiến việc đi lễ chùa bị… chững lại. Vì thế, không khó lý giải khi bước sang tháng 3, các đền chùa mở cửa, người dân ùn ùn đi cho thỏa mấy tháng… ngồi yên.
Để “hãm” sự quá tải, mới đây nhất, ngày 15/3, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL lập tức có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện nếp sống văn minh trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Văn bản nêu rõ tình hình dịch bệnh COVID-19 trên cả nước cơ bản đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh do hiện tượng người dân chủ quan, chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch khi tham gia các hoạt động tập trung đông người, đặc biệt là tại các địa điểm du lịch, di tích, danh lam thắng cảnh.
Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ VH-TT&DL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chỉ đạo các cơ quan ban, ngành tại địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, triển khai quy trình phòng, chống dịch trong hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ VH-TT&DL. Đồng thời chỉ đạo các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đăng ký và tự đánh giá an toàn COVID-19.
Đối với người Việt Nam đi lễ chùa đầu năm là một nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh. |
“Yêu cầu Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án đảm bảo an ninh, an toàn phòng chống dịch cho khách du lịch; người tham gia hoạt động văn hóa, thể thao; khách tham quan bảo tàng, di tích, danh lam thắng cảnh; người tham gia lễ hội. Chỉ tổ chức đón khách khi đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.”- Văn bản Bộ VH-TT&DL nêu rất rõ.
Sở dĩ văn bản gửi đi gấp gáp đến vậy là do vừa qua tại Khu du lịch tâm linh Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) xảy ra hiện tượng quá tải khi hàng vạn du khách đổ dồn về khu vực trong ngày cuối tuần. Hiện tượng này dấy lên nhiều lo ngại về việc phòng chống dịch khi tình hình COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp. Cảnh tượng hỗn độn 5 vạn người ùn ùn đổ về chùa Tam Chúc như ong vỡ tổ giữa mùa dịch khiến ai cũng ngao ngán.
PGS, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền nêu quan điểm: “Người xưa đi lễ hội là hành hương, mục đích là thanh lọc tâm hồn cho phù hợp với điều thiêng liêng mà họ tin, nên đi lễ hội là gột rửa được lòng trần, gột rửa những tham lam, giận dữ, ích kỷ. Giờ quan niệm bị lệch đi, cái tâm thế đi hội đã khác nên mới chen chúc, giẫm đạp, ẩu đả. Người hôm nay đi chùa, đi lễ hội như đi du lịch, nó không còn thiêng nên rất lộn xộn”.
Xưa nay, Việt Nam có thế mạnh phát triển du lịch tâm linh nhờ vô vàn các đình chùa, đền miếu, tượng tháp... được tọa lạc tại nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng khắp trong cả nước, tạo nên những địa chỉ hấp dẫn thu hút nhiều triệu khách du lịch tâm linh. Khi kinh tế ngày càng phát triển, đời sống tinh thần sẽ ngày càng được chú trọng, dẫn tới nhu cầu du lịch ngày càng cao. Tâm lý người Việt lại trọng tín ngưỡng. Văn hóa và tín ngưỡng là sản phẩm cốt lõi của du lịch tâm linh. Chính vì những “lợi thế” sẵn có này mà nhiều công ty lữ hành khai thác, tổ chức triệt để những chuyến đi tham quan đầu xuân tại đền, chùa.
Theo ông Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng Bộ VH-TT&DL, nhu cầu đi lễ chùa của người dân là chính đáng, nhưng trước nhu cầu tâm linh của người dân, các địa phương cần chủ động dự báo tình hình và xây dựng kế hoạch, các cấp độ kiểm soát, chỉ có như vậy mới không bị động, không xảy ra những hiện tượng quá tải như tại khu du lịch Tam Chúc vừa qua. “Các địa phương, các nơi có di tích, danh thắng trọng điểm khác cần rút kinh nghiệm và triển khai xây dựng ngay biện pháp, kế hoạch cho mình. Mặt khác, công tác tuyên truyền về ý thức phòng chống dịch bệnh, thực hiện nếp sống văn minh tại các địa điểm di tích, danh thắng cũng cần tiếp tục được đẩy mạnh”.