Theo ông Sikela, sau cuộc họp tại Praha, Ủy ban châu Âu (EC) đã có ý tưởng rõ ràng về các biện pháp được mong đợi và gói biện pháp ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ được cơ quan này trình bày vào tuần tới. Quan chức Séc chia sẻ: “Khi bạn mua số lượng lớn, bạn thường mua được với giá rẻ hơn”. Theo ông, châu Âu nên đàm phán với các nhà cung cấp khí đốt lớn nhất và đạt được mức giá tốt nhất có thể.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Công Thương Séc - quốc gia đang giữ ghế Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU - thừa nhận mỗi nước thành viên trong khối đều có những ý tưởng riêng về các biện pháp ứng phó và có điều kiện cũng như lợi ích khác nhau. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh điều cần làm hiện nay là giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng. Ngoài ra, ông Sikela xác nhận các bộ trưởng năng lượng EU cũng nhất trí về sự cần thiết phải điều chỉnh chỉ số thiết lập giá chủ chốt để chống lại các hành vi đầu cơ trên thị trường.
Trong khi đó, Ủy viên Năng lượng EU Kadri Simson cho rằng giá khí đốt vẫn chưa bền vững khi nguồn cung từ Nga giảm xuống dưới mức 10% nhu cầu tiêu thụ của khối. Do đó, bà cho biết EC đang nghiên cứu một gói giải pháp để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng - bao gồm giảm tiêu thụ khí đốt hơn nữa và trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng biện pháp bắt buộc tiết kiệm 15% lượng tiêu thụ khí đốt. Cũng theo bà Simson, việc mua khí đốt chung là cần thiết để các nước thành viên EU không cạnh tranh lẫn nhau.
Tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức ở Praha hôm 7/10, lãnh đạo các nước EU đã thảo luận về giải pháp ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng và vấn đề Ukraine. Theo Thủ tướng Séc Petr Fiala, chính sách tách giá khí đốt khỏi giá điện ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ. Thủ tướng Séc cho rằng cần tìm kiếm các giải pháp mang tính toàn châu Âu. Trong khi đó, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen xác nhận cơ quan này sẽ đưa ra những đề xuất chi tiết hơn về các biện pháp chống tăng giá năng lượng trước Hội nghị thượng đỉnh chính thức của khối tại Brussels (Bỉ) trong các ngày 20 và 21/10.