Lời kêu gọi được đưa ra sau khi Đức tuyên bố sẽ vay 200 tỷ euro để giảm bớt tác động của giá năng lượng tăng cao kể từ khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine, bằng cách giới hạn giá khí đốt cho người tiêu dùng Đức, làm dấy lên lo ngại rằng Berlin sẽ thực hiện một mình, làm giảm hy vọng về một phản ứng chung của EU.
Italy nằm trong số 15 quốc gia EU kêu gọi giới hạn giá khí đốt. Tuy nhiên, Đức là một trong những quốc gia không ủng hộ do lo ngại động thái này có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt năng lượng.
Trước đó, cùng ngày, Bộ trưởng Công Thương CH Séc Jozef Sikela, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, tuyên bố EU muốn có thêm các biện pháp cấp bách hơn ngoài các biện pháp đã đạt được nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng.
Theo phóng viên TTXVN tại Praha, phát biểu họp báo sau cuộc họp, Bộ trưởng Sikela nói: “Chúng ta phải hành động ngay bây giờ. Kỳ vọng của người dân châu Âu là rất cao và chúng ta không thể để họ thất vọng.” Theo ông, với cương vị Chủ tịch luân phiên EU, Séc có thể tiếp nhận mọi đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) liên quan tới các biện pháp cấp bách và sẽ nhanh chóng xử lý các đề xuất này.
Trong cuộc họp các Bộ trưởng Năng lượng 27 nước thành viên EU ở Brussels (Bỉ), các nước đã nhất trí giảm tiêu thụ điện và đánh thuế lợi nhuận bất thường đối với các nhà máy điện và nhà cung cấp nhiên liệu hóa thạch nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.
EU dự kiến sử dụng số tiền thu được từ các công ty năng lượng để hỗ trợ các nhóm cư dân và doanh nghiệp dễ bị tổn thương hoặc tài trợ cho các biện pháp "thắt lưng buộc bụng". Một trong những biện pháp được thông qua là đặt ra mức trần doanh thu 180 euro/MWh đối với các nhà máy điện sử dụng nguồn nhiên liệu rẻ hơn khí đốt. Tất cả doanh thu vượt giới hạn này có thể được các nước thành viên EU sử dụng để thực hiện các biện pháp riêng. Bên cạnh đó, EU sẽ áp thuế 33% đối với các công ty cung cấp nhiên liệu hóa thạch, áp dụng cho phần lợi nhuận chịu thuế vượt 120% lợi nhuận trung bình của 4 năm tài chính gần nhất. EC ước tính các biện pháp này có thể mang lại 140 tỷ euro cho ngân sách các nước EU.