Chiều 21/6, Tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Nội dung xung quanh việc thực hiện các nhiệm vụ, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%; đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh, không để xảy ra thiếu điện trong thời gian tới.
'Treo' 9,7 tỷ USD nợ Chính phủ bảo lãnh
Truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Nguyễn Cao Lục nêu 3 vấn đề cụ thể EVN cần làm rõ.
Trước hết, việc cung ứng điện đảm bảo cho sản xuất, sinh hoạt cho người dân là một trong những giải pháp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 2017 nhưng hiện nay ở nhiều nơi, tình trạng quá tải lưới điện cục bộ vẫn xảy ra, gây mất an toàn, ổn định vận hành hệ thống.
“Trong những ngày nắng vừa qua, có 12.632 cuộc gọi liên quan sự cố mất an toàn về điện”, ông Lục nêu và đề nghị EVN làm rõ trách nhiệm và các giải pháp khắc phục tình trạng này, đảm bảo điện năng cho sản xuất và sinh hoạt, bảo đảm chất lượng cung ứng điện.
Liên quan tới chỉ tiêu tăng trưởng điện, Chủ tịch EVN - Dương Quang Thành cho hay với mức 11,5%, tập đoàn có thể đảm bảo cân đối được, thậm chí đạt 14%. "Chúng tôi cam kết đảm bảo tăng trưởng, đáp ứng đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia", ông Thành hứa.
Về yêu cầu tái cơ cấu tập đoàn, dẫn lại số liệu báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, ông Lục nhìn nhận EVN hiện là "quán quân" trong vay nợ Chính phủ bảo lãnh. "Cuối 2015, nợ vay được Chính phủ bảo lãnh khoảng 26 tỷ USD, trong đó nợ của EVN khoảng 9,7 tỷ USD, chiếm 37%”, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ dẫn chứng.
Số nợ còn “treo” của EVN cũng khiến Thứ trưởng Nội vụ - Nguyễn Trọng Thừa, thành viên tổ công tác sốt ruột. “Đây là gánh nặng lớn cho tập đoàn trong hạch toán, điều hành. Nợ tính vào giá nên giá điện buộc phải cao là đúng rồi”, ông Thừa nhận xét.
Vị này cho rằng, EVN cần tăng cường hiệu quả sử dụng vốn, đa dạng hoá ngoại tệ đi vay để giảm rủi ro tỷ giá, tiết giảm chi phí. Ngoài ra, tập đoàn cần đẩy nhanh áp dụng công nghệ, nâng cao năng suất lao động, qua đó giảm được số nhân lực “trèo cột, cầm gậy, ghi sổ điện” đang rất đông hiện nay.
Trước tiến độ đầu tư vào một số dự án còn chậm, đại diện Chính phủ cho rằng có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, như nguồn vốn bảo lãnh nước ngoài, vướng mắc trong thủ tục đầu tư xây dựng…
Giải trình thêm về khó khăn của ngành, Thứ trưởng Công Thương - Đỗ Thắng Hải cho hay do đặc thù, ngành điện cần có dự án đầu tư mới để đảm bảo đủ điện cho sản xuất, an ninh năng lượng. Tuy vậy, ông cũng thừa nhận tập đoàn cần có nhiều cố gắng để khắc phục tình trạng thiếu vốn.
“Không thể nói giảm đầu tư đi. Để đảm bảo năng lượng, đủ điện thì dứt khoát phải có đầu tư. Tuy nhiên, tiền bỏ ra phải hiệu quả ngay từ đầu”, lãnh đạo Bộ Công Thương dứt khoát.
Chi phí ngành điện 'đội' hơn 4.200 tỷ đồng do giá đầu vào tăng
Giải trình trước các thành viên tổ công tác, ông Đặng Hoàng An - Tổng giám đốc EVN thông tin, việc tăng giá bán than trong nước cho sản xuất điện và cập nhật thông số đầu vào (giá than nhập khẩu, giá dầu, khí, tỷ giá…) so với kế hoạch đầu năm đã khiến tổng chi phí sản xuất kinh doanh tăng thêm 7.230 tỷ đồng. Nhờ tiết kiệm một số chi phí, EVN đã giảm được 2.990 tỷ, song tổng cộng, con số vẫn "đội' lên hơn 4.200 tỷ đồng trong năm nay.
"Ngành điện chưa theo cơ chế thị trường nhưng lại phụ thuộc vào nhiều mặt hàng khác. Khoản chi phí 'đội' lên 7.230 tỷ đồng là có thực, phải cân đối lại đầu ra như thế nào cho hợp lý”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói, đồng thời "phê bình" tập đoàn này vừa qua đã chưa làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu nguyên nhân giá điện tại sao lại như vậy. Nêu quan điểm cá nhân, ông Hải nói "giá có thể cao, tăng nhưng phải có giải thích rõ ràng, minh bạch.
Còn theo Thứ trưởng Tài chính - Đỗ Hoàng Anh Tuấn, theo cơ chế giá hiện nay, điện đang lỗ, phải bù chéo ở nhiều nơi bởi giá bán rất rẻ so với khu vực.
Ông đơn cử, với giá điện bình quân 7,3 cent một kWh, rất khó để nhà đầu tư rót vốn, nhất là vào các công trình cung cấp năng lượng sạch. Vị này dẫn chứng giá thế giới với điện gió là 9,35 cent một kWh, nên với bình quân nêu trên, ngành điện sẽ phải bù khoảng 2 cent. Đó là chưa kể việc phải bù lỗ cho những năm trước. "Phải có cơ chế chính sách phù hợp để ngay trong năm 2017 này xử lý được hậu quả tài chính 10 năm trước", ông Tuấn nói.
Chốt lại, ông Nguyễn Cao Lục cũng cho rằng "đâu đó vẫn còn tiếng kêu với ngành điện, dù đã giảm". Tuy vậy, EVN vẫn phải giữ vai trò then chốt, đảm bảo đủ năng lượng cho phát triển kinh tế, xã hội. Vì thế, đại diện Chính phủ đề nghị tập đoàn tăng cường hiệu quả vốn vay, giảm chi phí sản xuất để tăng hiệu quả đầu tư... góp vào mục tiêu tăng trưởng GDP chung của cả nước trong năm nay.
Theo Vnexpress