Tình hình bệnh lý tuyến giáp
Dự án được thực hiện từ tháng 8/2018 với việc tổ chức tầm soát miễn phí bệnh lý tuyến giáp cho 16 bệnh viện trên cả nước và hàng chục nghìn lượt tầm soát dưới sự hỗ trợ giám sát và quản lý từ VPĐD Merck Export GmbH Việt Nam. Đây là chương trình đặc biệt nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 350 năm thành lập hãng khoa học và công nghệ Merck.
Theo các chuyên gia y tế, hiện nay trên thế giới có khoảng 200 triệu người mắc bệnh tuyến giáp. Rối loạn tuyến giáp có thể ảnh hưởng mọi lứa tuổi trên cả hai giới, tuy nhiên tỉ lệ mắc bệnh ở nữ giới gấp 10 lần nam giới. Có đến 50% người mắc bệnh không được chẩn đoán do triệu chứng bệnh không đặc trưng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác cũng như nhầm lẫn với những biểu hiện thường ngày của cuộc sống bận rộn.
Ở Việt Nam các số liệu thống kê dịch tễ về bệnh lý tuyến giáp vẫn rất hạn chế. Tuy nhiên nếu chỉ tính riêng tại bệnh viện Nội Tiết Trung Ương, các bệnh nhân mắc bệnh lý tuyến giáp đến khám và điều trị tại bệnh viện ngày càng tăng với lượt khám các bệnh lý tuyến giáp tăng hơn sáu lần chỉ trong vòng năm năm qua (2015 – 2019).
Bà Hideko Ikeda, Tổng Giám đốc Merck Việt Nam phát biểu tại sự kiện. |
Do vậy, Việt Nam cần xây dựng và phát triển chương trình giáo dục công để tăng tỷ lệ người phụ nữ có nguy cơ cao đi khám bệnh, cũng như các chương trình khám sàng lọc sớm tại bệnh viện để chẩn đoán và điều trị hiệu quả.
Bà Hideko Ikeda, Tổng Giám đốc Merck Việt Nam chia sẻ: “Tại Merck, sứ mệnh của chúng tôi trong suốt 350 năm qua là nâng cao sức khoẻ cộng đồng. Hơn 25 năm tại Việt Nam, chúng tôi không ngừng mang đến các giải pháp chữa trị bệnh và hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt là các bệnh liên quan đến tuyến giáp. Thành công của chương trình Thyroid Change – Vì những người phụ nữ tôi yêu, kết hợp với Bệnh viện Nội tiết Trung ương, là cam kết của Merck nhằm nâng cao sức khoẻ và đời sống của người dân Việt Nam. Chúng tôi mong muốn sẽ có nhiều bệnh nhân tuyến giáp nữa sẽ được tầm soát và chữa trị, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm thiểu gánh nặng của xã hội.”
Những thành quả của dự án
Chương trình “Thyroid Change – Vì những người phụ nữ tôi yêu” được thực hiện với sự hợp tác cùng Bệnh viện Nội tiết Trung ương, với hai giai đoạn chính:
Giai đoạn 1: Gia tăng nhận biết bằng video “Vì những người phụ nữ tôi yêu”, với những số liệu đáng báo động về bệnh tuyến giáp, đặc biệt do triệu chứng bệnh không đặc trưng nên rất dễ nhầm lẫn với các biểu hiện thường ngày của cuộc sống bận rộn, do đó dễ khiến người bệnh bỏ qua và gây nhầm lẫn. Qua đó khuyến khích những người có nguy cơ hay người thân của họ, đặc biệt là phụ nữ nên tầm soát để được phát hiện và điều trị sớm.
Giai đoạn 2: Tầm soát miễn phí tại 16 bệnh viện trên cả nước tại 14 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hoá, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Hà Nam, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM, Bạc Liêu, Cần Thơ nhằm cải thiện kết quả chẩn đoán, hỗ trợ người dân phát hiện sớm các bệnh lý tuyến giáp.
Sau hai năm thực hiện, chương trình “Thyroid Change – Vì những người phụ nữ tôi yêu” đã đạt được những cột mốc đáng kể, cụ thể:
Dự án kết thúc với 45.958 bệnh nhân đã được thăm khám, có 23.430 xét nghiệm TSH (xét nghiệm chẩn đoán chức năng tuyến giáp) được thực hiện và trong đó phát hiện 7.963 trường hợp bất thường về TSH và 12.099 bệnh nhân được siêu âm để phát hiện các bất thường về cấu trúc. Thông qua dự án tầm soát, số lượng bệnh nhân có các rối loạn về tuyến giáp được phát hiện và điều trị khoảng hơn 3.000 trường hợp, chiếm khoảng 6,5% trong tổng số bệnh nhân.
Tiến sĩ Phan Hướng Dương – Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương: “Bệnh viện Nội tiết Trung ương rất hân hạnh đồng hành cũng Quỹ The Merck Family trong suốt hai năm qua. Tôi nhận thấy chương trình Thyroid Change đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao nhận thức về các bệnh tuyến giáp tại Việt Nam.
Tiến sĩ Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương trình bày về tình hình bệnh lý tuyến giáp. |
Con số hơn 45.000 người được thăm khám thông qua chương trình thật sự là một con số đáng khích lệ. Bệnh lý tuyến giáp chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong dân số, tuy nhiên tỷ lệ phát hiện vẫn chưa cao vì thế trong thời gian tới chúng ta nên tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, mở rộng việc tầm soát bệnh, đặc biệt là đối tượng phụ nữ và người dân khu vực vùng sâu, vùng xa; đồng thời cũng cần nâng cao năng lực cho bác sĩ điều trị.”
Sau hai năm, dự án đã mang lại nhiều kết quả tích cực và ý nghĩa cho bệnh nhân Việt Nam. Thông qua quá trình thực hiện, có thể thấy bệnh lý tuyến giáp chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong dân số, tuy nhiên tỷ lệ phát hiện vẫn chưa cao phần lớn do các triệu chứng của bệnh khá mơ hồ, dẫn đến hậu quả là khi bệnh nhân được phát hiện đã xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng (trên tim mạch, trên thai nhi đối với phụ nữ mang thai).
Do đó, việc tích cực tuyên truyền cho người dân để nâng cao nhận thức về bệnh là một việc làm cần thiết và cần được đẩy mạnh nhiều hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nhân lực y tế đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm các triệu chứng bệnh, tiến hành các xét nghiệm sàng lọc cho các đối tượng nguy cơ (thai kỳ, người cao tuổi) và điều trị kịp thời. Do đó, việc đào tạo nâng cao năng lực cho các bác sĩ điều trị sẽ là một trong những mục tiêu định hướng của các tổ chức, hiệp hội khoa học và các trường đại học trong thời gian sắp đến.