Vài tuần gần đây, trên chợ mạng, dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới phục vụ Tết Nguyên đán bắt đầu sôi động, với đủ các mệnh giá: 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng, 100.000 đồng. Người rao bán không quên cam kết 100% là tiền mới, nguyên kiện, nguyên seri.
Ngoài ra, khách chỉ cần báo số lượng, muốn đổi bao nhiêu cũng có. Nhân viên sẽ đến tận nơi đổi trả, phục vụ tận tình.
Bạn T.H (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, phí đổi tiền lẻ phụ thuộc vào từng mệnh giá. Mệnh giá càng nhỏ thì phí càng cao. Chẳng hạn, các loại tiền mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng mức phí sẽ dao động từ 12 - 15%, loại 5.000 đồng mức phí là 10%, loại 10.000 đồng, 20.000 đồng là 6 - 8%, còn với 50.000 đồng, 100.000 đồng thì chịu phí 3 - 5%. Trong khi đó, “tiền lướt” với độ mới đạt 80-90% có mức phí thấp hơn chút ít, từ 2 - 3% cho các mệnh giá.
H còn nhấn mạnh rằng phí đổi như vậy vẫn còn ở mức bình thường. Đến cận Tết Nguyên đán, phí đổi có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần với một số mệnh giá đặc biệt do Ngân hàng Nhà nước đã công bố năm nay tiếp tục không phát hành tiền lẻ mới vào dịp Tết.
Tương tự, chị T.L (Hà Nội) cũng cho biết bắt đầu nhận đổi tiền lẻ, tiền mới Tết từ giữa tháng 12 với số lượng không giới hạn. Tuy nhiên, chị L khuyến cáo khách hàng nên đặt sớm để được phí đổi rẻ. Bởi, càng gần Tết, phí đổi càng tăng cao.
Lo không đổi được tiền 10.000 đồng, 20.000 đồng để lì xì dịp Tết, chị Giang (Bắc Ninh) chấp nhận đổi tiền với mức phí 7% từ một người rao trên mạng. Theo chị Giang, kể ra đổi 2 triệu mà mất tới 140.000 đồng thì cũng hơi đắt song chị lo đến gần Tết càng khan hiếm hơn. Chị nói: "Mình cũng thấy hơi xót ruột nhưng Tết về quê các cháu nhỏ đông, không có tiền mừng tuổi thì không được. Được cái, dịch vụ đổi tiền lẻ khá nhanh, thậm chí họ còn giao hàng tận nơi".
Mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Tết Tân Sửu năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục siết chặt chuyện đổi tiền lẻ và không in tiền mới mệnh giá nhỏ như những năm trước.
Đây là năm thứ 8 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước chủ trương không phát hành tiền lẻ mới vào dịp Tết. Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định tiền lẻ đã qua lưu thông vẫn đủ cung ứng để phục vụ nền kinh tế.