Trước đó, ngày 8/11, bệnh nhân H. nhập Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng ho nhiều, khạc đờm, tức ngực, khàn tiếng. Bà H cho biết, bà bị ho nên đi khám bác sĩ tư ở địa phương, có chụp X quang phổi và uống thuốc viêm phổi 2 tuần nhưng không đỡ. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục uống thuốc nam thêm 2 tuần cũng không đỡ ho, có sốt từng đợt.
Sau khi khai thác bệnh sử, các bác sĩ Khoa Nội hô hấp - Miễn dịch chẩn đoán bệnh nhân có dị vật ở phế quản trung gian phải. Các bác sĩ đã tiến hành nội soi phế quản bằng ống soi mềm gây tê gắp dị vật. Sau hơn một giờ, các bác sĩ gắp được dị vật là một mảnh xương lợn dài 1,5 cm nằm trong lòng phế quản phải của bệnh nhân.
Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và chuẩn bị ra viện.
Bác sĩ Hoàng Thị Tâm, Phó trưởng Khoa Nội hô hấp - Miễn dịch dị ứng, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, đây là trường hợp bệnh nhân bị dị vật có kích thước khá lớn nằm hơn một tháng trong lòng phế quản nên bệnh nhân bị viêm phổi hậu tắc và tổ chức hạt mọc ra nhiều xung quanh dị vật. Nếu gia đình không đưa bệnh nhận đến viện kịp thời, dị vật có thể bám chắc và sâu hơn, gây ra nhiễm trùng đường hô hấp dưới, nặng hơn có thể xuất hiện áp xe phổi, tràn mủ màng phổi, giãn phế quản do dị vật bỏ quên lâu ngày... lúc đó sẽ rất khó khăn cho điều trị.
Bác sĩ Hoàng Thị Tâm khuyến cáo, trong khi ăn uống mọi người không nên ăn vội vàng, vừa ăn vừa nói hay cười đùa, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ. Những thức ăn có hạt trơn láng như mãng cầu, nhãn… cần lấy hạt ra trước rồi hãy ăn. Cần tập trung ăn uống, nhai kỹ để hạn chế tình trạng dị vật lọt vào đường ăn, đường thở. Khi không may hóc kèm những biểu hiện bất thường như khó thở, ho nhiều, tức ngực... cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời./.