Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), giá cà phê Robusta đã tăng lên mức cao nhất trong 45 năm, do nguồn cung ngày càng khan hiếm đối với loại cà phê này, vốn được được sử dụng trong cà phê espresso và các đồ uống hòa tan.
Trong một báo cáo hàng tháng được công bố mới đây, ICO cho biết thước đo giá bán buôn của tổ chức này đã tăng 17% trong tháng 4/2024, lên mức mạnh nhất kể từ năm 1979.
Việt Nam - nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới - tiếp tục đối mặt với khó khăn về nguồn cung sau vụ thu hoạch kém trong cả vụ trước và vụ hiện tại.
Thêm vào đó, lượng tồn kho giảm, nhu cầu tăng và gián đoạn vận chuyển do những bất ổn địa chính trị tại Biển Đỏ cũng dẫn đến nguồn cung cà phê hạn chế.
Những vấn đề này có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn khi hạn hán và nắng nóng tác động tiêu cực tới các khu vực trồng trọt cà phê tại Việt Nam, làm cạn kiệt nguồn nước tưới tiêu và hạn chế triển vọng cho vụ mùa năm 2024 sắp tới.
Giá cà phê giao kỳ hạn ở thị trường London đã tăng trong 5-6 tháng qua, điều này cuối cùng có thể ảnh hưởng đến chi phí tiêu dùng.
Tuy nhiên, hoạt động trồng cà phê của Việt Nam có thể bắt đầu phục hồi sau hạn hán trong tháng này và các quỹ phòng hộ đang giảm bớt việc đặt cược vào khả năng giá sẽ tăng thêm.
Nguồn cung cà phê Arabica dồi dào hơn cũng góp phần làm dịu đà tăng giá của cà phê Robusta.
Vụ thu hoạch cà phê Robusta của Brazil đã bắt đầu, thời tiết khá thuận lợi cho thu hoạch, ước tính sẽ đạt khoảng 22,5 triệu bao.
Trong tháng Tư vừa qua, giá cà phê Arabica nằm trong vùng giá cao nhất 2 năm, còn giá cà phê Robusta ghi nhận mức cao kỷ lục chưa từng có, bỏ khá xa mốc cao lịch sử đã lập vào năm 1994, khi thời tiết sương giá ở Brazil ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản lượng cà phê.