12 câu hỏi đươc đặt ra với Viện Kiểm sát?
Sáng 29/5, TAND TP Hòa Bình tiếp tục mở phiên sơ thẩm xét xử đối với 3 bị cáo trong vụ án chạy thận khiến 9 người tử vong xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Trước đó, trong phần bào chữa cho thân chủ Hoàng Công Lương chiều 28/5, luật sư Hoàng Ngọc Biên (Công ty Luật Toàn cầu - Đoàn luật sư Hà Nội) đặt ra 12 câu hỏi để tranh luận với Viện Kiểm sát liên quan đến vụ án như: Nếu ông Trương Quý Dương (nguyên giám đốc BVĐK Hòa Bình) chọn nhà thầu đủ chuyên môn và tuân thủ đầy đủ kỹ thuật về sửa chữa, bảo dưỡng RO thì hậu quả có xảy ra không? Bác sỹ Hoàng Công Lương có mối quan hệ cụ thể gì đến tồn dư hoá chất ở hệ thống RO2? Có văn bản quy phạm pháp luật nào buộc bác sỹ Lương phải kiểm tra chất lượng vật tư và báo cáo lại với trưởng khoa trước khi ra y lệnh? Ông Hoàng Đình Khiếu (Phó GĐ BVĐK Hòa Bình) cho rằng đã phân công bác sỹ Lương phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo có trái với điều 37 Luật Công chức năm 2010 không? Những người quyết định việc mua sắm vật tư, quyết định việc sửa chữa bao gồm ông Dương, ông Tuấn, ông Thắng trong vụ án này tại sao không bị khởi tố?...
Sau khi nêu ra 12 câu hỏi với đại diện Viện Kiểm sát, luật sư Biên nhấn mạnh: "Đây là những nội dung chúng tôi mong chờ Viện Kiểm sát tranh luận để làm rõ các tình tiết trong vụ án".
Trong lúc ông Biên trình bày những câu hỏi trên, HĐXX liên tiếp đề nghị vị luật sư không đặt câu hỏi mà chỉ đưa ra những vấn đề đại diện Viện Kiểm sát tranh luận.
Tại sao không xem xét trách nhiệm ông Trương Quý Dương?
Tại phiên tòa chiều 28/5, luật sư của BVĐK tỉnh Hòa Bình - Nguyễn Danh Huế tiếp tục đặt vấn đề: “Tại sao Viện Kiểm sát không đề cập đến vai trò của người đứng đầu, không kiến nghị xử lý trách nhiệm của ông Trương Quý Dương? ” (Nguyên giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình-PV).
Luật sư Nguyễn Danh Huế tại phiên tòa. |
Theo luật sư Huế, vụ việc có lỗi rất lớn của ông Trương Quý Dương. Công ty Thiên Sơn đã nhượng quyền hợp đồng cho Công ty Trâm Anh về lắp đặt, thay thế linh kiện hệ thống này. Trước đó, Công ty Thiên Sơn không hề đưa đối tác Trâm Anh vào danh sách nhà thầu phụ.
Vị luật sư cho rằng, hành vi của Công ty Thiên Sơn đã bán trái phép hợp đồng cho Công ty Trâm Anh để ăn tiền chênh lệch. Do bệnh viện biết việc nhượng thầu nên theo quy định, Thiên Sơn có thể vi phạm Luật Đấu thầu.
Luật sư Huế cho rằng, hành vi của Công ty Thiên Sơn là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố y khoa nghiêm trọng nên đề nghị HĐXX buộc Thiên Sơn bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình nạn nhân. Ông Huế cũng kiến nghị cơ quan chức năng khởi tố ông Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Thiên Sơn) để làm căn cứ răn đe về sau.
Vị luật sư lý giải, ông Dương là công chức duy nhất tại bệnh viện, được Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm. Ông Dương phải chịu trách nhiệm cá nhân với tư cách là người đứng đầu một đơn vị sự nghiệp. Trong vụ án này, ông Dương hoàn toàn phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu theo Luật Công chức.
"Bệnh viện ĐK tỉnh Hòa Bình chạy thận đắt gấp đôi BV Bạch Mai"
Luật sư Huế nêu quan điểm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình chạy thận với mức giá gấp đôi những nơi khác, thậm chí gấp đôi giá ở Bệnh viện Bạch Mai.
"Tại sao Hòa Bình là tỉnh nghèo nhưng bắt bệnh nhân chịu mức giá cao như thế? Trong khi ở Bệnh viện Bạch Mai chỉ thu từ 3-4 USD/ca chạy thận", ông Huế thắc mắc đồng thời cho rằng, nguyên giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình đã làm trái quy định trong công tác chọn thầu, không đôn đốc kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ của nhà thầu.
Sau phần bào chữa, người dân trong hội trường bày tỏ sự ủng hộ vị luật sư bằng một màn vỗ tay phấn khích. Trước đó, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (con của nạn nhân Nguyễn Thị Minh), đại diện cho 9 gia đình bị hại phát biểu:
Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết trình bày tại tòa. |
“Tôi xin đính chính bản luận tội của Viện Kiểm sát đối với bác sỹ Lương. Các gia đình chúng tôi không xin giảm tội cho bác sĩ Lương theo luận tội của Viện Kiểm sát, vì bác sỹ Lương không có tội. Là người bị hại, chúng tôi tham dự phiên tòa của vụ án từ đầu đến hôm nay. Chúng tôi nhận thức được người nhà chúng tôi đã chết thật. Bác sỹ Lương là bác sỹ tốt, còn mọi sự việc chúng tôi được nghe các luật sư nói, các chứng cứ sự việc không có thật. Cái không có thật chúng tôi thấy là 6 năm chạy thận ở BVĐK tỉnh Hòa Bình không có hợp đồng, không được cấp giấy phép" - chị Tuyết trình bày tại tòa sáng 28/5.
Vì những lý lẽ trên, chị Tuyết đề nghị HĐXX xem xét lại cáo buộc đối với bác sỹ Lương. "Tôi mong Viện Kiểm sát xem xét kỹ lại, kể cả án treo, bị tội một ngày cũng ảnh hưởng đến tương lai của bác sỹ. Đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm của ông Trương Quý Dương là người đứng đầu bệnh viện” - chị Tuyết nói.
Tiếp theo, được trình bày tại tòa, một người nhà nạn nhân Hằng đề nghị HĐXX xem xét thái độ của ban Giám đốc Bệnh viện bởi sau 3 tháng Bệnh viện không có một lời nào cho các gia đình nạn nhân; Kiến nghị HĐXX làm rõ trách nhiệm thuộc về tổ chức cơ quan nào trong sự việc này?.
Theo VOV