Ngày 16/5 vừa qua, chính phủ Trung Quốc đã công bố một loạt các biện pháp được coi là bước đi “lịch sử” nhằm vực dậy thị trường bất động sản. Theo kế hoạch, chính phủ sẽ cấp thêm 1 nghìn tỷ nhân dân tệ cho ngành bất động sản, tương đương với 138 tỷ USD, bao gồm các hỗ trợ tài chính đồng thời nới lỏng các quy định về vay thế chấp mua nhà.
Theo đó, mức yêu cầu trả trước đối với người mua nhà lần đầu sẽ được giảm xuống 15%, và yêu cầu với người mua nhà lần 2 sẽ là 25%.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng công bố kế hoạch huy động số vốn trị giá 300 tỷ nhân dân tệ (tương đương 42 tỷ USD) nhằm khuyến khích các doanh nghiệp và chính quyền địa phương mua lại những căn nhà tồn đọng và cải tổ thành nhà ở giá rẻ.
Điều đó đã giúp chỉ số Hang Seng (HSI) và giá đồng tăng cao kỷ lục. Cùng với đó, theo báo cáo, chỉ số Nikkei của Nhật Bản (N225) tăng 0,9% trong phiên giao dịch đầu ngày và chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) đã tăng 0,25%, đạt mức cao nhất trong hai năm vừa qua. Trong khi đó, Bitcoin giảm khoảng 1% xuống còn 65.863 USD.
Cuộc khảo sát hàng tuần mới nhất của Kitco News cho thấy phần lớn các chuyên gia trong ngành tin rằng giá vàng có thể đạt hoặc vượt qua mức cao nhất mọi thời đại với 2.423 USD/ounce.
Sự kiện máy bay chở Tổng thống Iran gặp nạn hôm 19/5 cũng đã thu hút sự chú ý của các nhà giao dịch đến Trung Đông, khiến dầu thô Brent chạm đỉnh ở mức 84,14 USD/thùng vào đầu phiên giao dịch .
Vào tuần trước, đồng đô la ghi nhận mức giảm hàng tuần lớn nhất so với đồng euro trong hai tháng rưỡi trên thị trường tiền tệ, tuy nhiên giá đồng bạc xanh đã phục hồi trở lại trong phiên giao dịch buổi sáng ở châu Á vào thứ Hai.
Bên cạnh đó, báo cáo được công bố vào thứ hai cho thấy đồng euro nhìn chung khá ổn định ở mức 1,0873 USD, đồng yên giảm nhẹ với giá 155,82 yên/USD.
Trong tuần trước, đồng đô la Úc đã tăng 1,4% và duy trì ở mức 0,6698 USD trong khi đồng đô la New Zealand dao động ở mức 0,6135 USD. Ngân hàng Dự trữ New Zealand cho biết sẽ thiết lập lãi suất vào thứ Tư và dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất chính ở mức 5,5%.
Sau khi chứng khoán thế giới đạt đỉnh vào tuần trước do lạm phát Mỹ giảm bớt, trọng tâm tuần này chuyển sang các bài phát biểu về chính sách, biên bản cuộc họp, quyết định của ngân hàng trung ương New Zealand và kết quả của Nvidia, một tập đoàn công nghệ có trụ sở tại Mỹ, cùng với sự gián đoạn trong lịch dữ liệu.
Ông Bob Savage, giám đốc chiến lược và phân tích thị trường của BNY Mellon cho biết: “Tuần tới chúng tôi sẽ xoay quanh các diễn giả và cách Fed “vẽ ra bức tranh” về những rủi ro chính sách phía trước, với xu hướng nới lỏng hơn là tăng lãi suất cần thiết”.
Cuối tuần trước, một phần nhờ bình luận của các nhà hoạch định chính sách, lợi suất trái phiếu toàn cầu đã phục hồi trở lại. Tuy nhiên, Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Michelle Bowman vẫn giữ nguyên quan điểm rằng bà vẫn sẵn sàng tăng lãi suất nếu tiến trình kiềm chế lạm phát bị đình trệ hoặc đảo ngược.
Thành viên hội đồng Ngân hàng Trung ương châu u, Isabel Schnabel ,cho biết đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 6 tới có thể phù hợp với hoàn cảnh hiện nay của châu u tuy nhiên nó dường như đã dội một gáo nước lạnh vào kỳ vọng của các nhà đầu tư về một loạt các đợt cắt giảm tiếp theo.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm kết thúc vào tuần trước đã giảm 4 điểm cơ bản (bps) xuống còn 4,825% và duy trì ổn định trong phiên giao dịch tại châu Á. Trong khi đó, Lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn hai năm đã tăng 2 điểm cơ bản lên 2,988%.