Được biết, gia đình bệnh nhi này nuôi chó đẻ. Do chó mẹ bị ốm nên gia đình đã quyết định bán đi, nhưng vẫn giữ lại đàn chó con. Trong quá trình chơi đùa với chó con, bé trai này bị con vật gặm vào tay nhưng chủ quan không nói cho bố mẹ biết, đến khi khởi phát bệnh mới kể lại.
Trường hợp khác, cháu bé 9 tuổi ở Lạng Sơn, gia đình có nuôi chó mẹ và đàn chó con. Khi chó mẹ có biểu hiện ốm, gia đình bán đi và giữ đàn chó con tiếp tục chăm sóc. Trong quá trình chăm sóc chó, cháu nhỏ bị một con chó con gặm vào tay nhưng cũng không nói lại với gia đình.
PGS.TS Bùi Vũ Huy cho biết, chỉ trong một tuần đã có 2 cháu tử vong vì bệnh dại là chuyện rất bất thường. Lý do chủ yếu do gia đình, cộng đồng chưa có ý thức nhiều trong phòng chống bệnh dại.
Theo PGS Huy, thời gian phơi nhiễm virus dại, ủ bệnh khác nhau ở mỗi người. Có những người sau 20 – 30 ngày bắt đầu lên cơn dại, có những người lâu hơn mới biểu hiện. Đa phần, khi vết thương chó cắn đã liền da, người bệnh vẫn bình thường nên càng chủ quan không nghĩ là chó dại cắn. Đến khi lên cơn dại, sợ gió, sợ nước thì mọi chuyện đã quá muộn, không còn cách gì cứu chữa.
“Khi bị vật nuôi cắn hoặc chó, mèo có biểu hiện bênh, các gia đình không được giết hoặc bán trong vòng 10 ngày. Hành động này khiến chúng ta không theo dõi được tình trạng của vật nuôi và vô tình phát tán mầm bệnh ra cộng đồng. Chó dại thường cắn lung tung, thậm chí người giết mổ khi bị dãi của con vật rớt vào vùng cơ thể bị trầy xước cũng có nguy cơ mắc bệnh dại”, PGS Huy cảnh báo.
Trước nhu cầu về tiêm vắc xin phòng bệnh dại tăng cao ở nhiều địa phương, vừa qua, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khẳng định tính đến thời điểm hiện tại, lượng vắc xin nhập khẩu về đáp ứng đủ nhu cầu tiêm chủng của nhân dân.
Hiện tại, Việt Nam đã cho phép lưu hành 5 vắc xin ngừa bệnh dại. Các vắc xin này không còn tác dụng phụ gây di chứng thần kinh như trước kia.
Theo Công lý