Tọa đàm được tổ chức nhân dịp hoàn thành cơ bản Dự án trùng tu, tôn tạo Di tích đền Bạch Mã, giai đoạn từ tháng 6. 2019 đến tháng 9.2020, nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, 66 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10.10.1954– 10.10.2020) và chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII.
Tọa đàm “Giá trị di sản văn hóa Đền Bạch Mã” góp phần làm sáng rõ thêm các giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật của Di tích Đền Bạch Mã, đánh giá những kết quả đã đạt được trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị Di tích Đền Bạch Mã. Qua đó khẳng định, với những lợi thế của mình, Di tích Đền Bạch Mã phải trở thành một điểm tham quan hấp dẫn thu hút đông đảo khách trong nước và quốc tế đến thăm Thủ đô và phố cổ Hà Nội, góp phần vào phát triển du lịch của địa phương.
Tài liệu lịch sử ghi chép lại cho thấy, đền Bạch Mã được khởi dựng dưới thời nhà Đường khi Cao Biền xây La thành vào năm 866. Sau đó, khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra xây thành Thăng Long vào năm 1010 nên được xây dựng lại.
Tài liệu thư tịch cũng cho biết, đền được dựng ở phía Đông Thành sau Thành Đông trấn như vị trí hiện nay. Trong quá trình tồn tại, ngôi đền đã được sửa chữa nhiều lần, phản ánh khá rõ qua tư liệu văn bia và hoành phi câu đối tại đền. Dáng dấp kiến trúc đền Bạch Mã hiện nay là dấu ấn đặc trưng của phong cách kiến trúc thế kỷ 19 thời Nguyễn. Ngôi đền còn lưu giữ được 18 bia đá cổ ghi lại việc sửa đền, 17 đạo sắc phong do triều đình nhà Nguyễn ban tặng, cùng nhiều đồ thờ tự quý khác.
PGS.TS Trần Thị An, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đền Bạch Mã như ta thấy hiện nay là một ngôi đền tọa lạc trong khu phố cổ Hà Nội, nơi thu hút sự tham gia thực hành tín ngưỡng của nhiều đối tượng người dân. Tất cả những thay đổi chính trị, xã hội từ bên ngoài tác động vào và những biến đổi văn hóa từ bên trong làm nên diện mạo đa diện, chứa đựng khá nhiều bí ẩn của tín ngưỡng ở ngôi đền này.
PGS. TS. Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, để đánh giá giá trị di sản văn hóa đền Bạch Mã cần phải dựa vào lịch sử ra đời của đền, ý thức độc lập tự chủ của người Việt Nam. Lịch sử ra đời và tồn tại của đền hơn 1 thiên niên kỷ đáng trân trọng.
Các ý kiến tham vấn của các nhà khoa học tại tọa đàm đã chỉ ra rằng, đền Bạch Mã xứng đáng được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, việc xây dựng hồ sơ cần có những bước đi cần thiết để đánh giá chính xác và khách quan giá trị đặc biệt của một trong tứ trấn Thăng Long xưa.