Cả tuần không có phiên nào tăng, giá vàng thế giới giảm liên tục 4 phiên liền. Đứng phiên cuối tuần tại mức 1.275,89 USD/oz. Tính chung trong tuần giá vàng thế giới mất hơn 15 USD/oz so với chốt phiên cuối tuần trước. Giá vàng đã để mất hơn 5% kể từ khi đạt mức “đỉnh” của 10 tháng hồi tháng 2/2019.
Về mặt kỹ thuật, các nhà giao dịch và giới phân tích nhận định việc giá vàng trượt xuống dưới ngưỡng hỗ trợ chính, bao gồm cả mức trung bình của 100 ngày và 50 ngày, đã phát đi tín hiệu về xu hướng tiếp tục giảm của giá kim loại quý này.
Thị trường vàng thế giới tuần qua bị chi phối bởi Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần đến thỏa thuận thương mại. Xuất khẩu của Trung Quốc tăng trở lại, đồng USD và yên Nhật tăng mạnh, khiến vàng mất đi cơ hội đầu cơ. Trong khi, vàng lại chịu sức ép khi giá USD tăng nhờ số liệu tăng trưởng Mỹ tốt hơn nhiều so với dự kiến.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ sáu, giá vàng giao ngay chỉ còn 1.275 USD/ounce; giá vàng giao kỳ hạn tháng 4 giảm 16,90 USD/ounce tương đương 1,3% xuống 1.282 USD/ounce.
Ảnh hưởng từ giá vàng thế giới, vàng trong nước giảm mạnh trong suốt tuần qua. Cụ thể, phiên đầu tuần này, giá vàng trong nước dao động quanh mức 36,5 triệu đồng/lượng nhưng sau đó giảm dần.
Trong 4 phiên gần nhất, từ 17 - 20/4, giá vàng chỉ còn quanh mức 36,2 – 36,3 triệu đồng/lượng.
Chốt phiên cuối tuần, tập đoàn Doji niêm yết vàng miếng ở mức 36,24 – 36,34 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Công ty SJC niêm yết vàng 99,99 ở mức 36,23 – 36,38 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giá vàng tại Bảo Tín Minh Châu hiện niêm yết mức 36,26 – 36,33 triệu đồng lượng (mua vào – bán ra).
Trên thị trường tiền tệ, tỷ giá trung tâm của VND với USD được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 22.998 VND, tăng 3 đồng từ với phiên giao dịch hôm thứ 6, 19/4.
Tại các ngân hàng thương mại, giá USD có những dấu hiệu tích cực, khi giá USD đã tăng vượt ngưỡng 23.260 đồng/USD.
Trên thị trường tự do, giá USD hiện giao dịch ở mức 23.210 – 23.220 đồng/USD.