Giải thưởng quốc tế - khẳng định thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Năm 2022, du lịch Việt Nam đã gặt hái được nhiều giải thưởng du lịch danh giá. Điều này không chỉ cho thấy sự tôn vinh của quốc tế mà còn khẳng định sức hấp dẫn của du lịch nước ta. Những giải thưởng này góp phần quan trọng quảng bá, khẳng định thương hiệu và thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới.
Khu du lịch Rừng thông bản Áng tại xã Đông Sang (Môc Châu, Sơn La). Ảnh: Quang Quyết/TTXVN
Khu du lịch Rừng thông bản Áng tại xã Đông Sang (Môc Châu, Sơn La). Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Mộc Châu lần đầu được vinh danh

Tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới 2022 khu vực châu Á và châu Đại Dương vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh, Hội An (Quảng Nam), Hà Nội, Đà Nẵng được vinh danh là các điểm đến văn hóa, di sản, du lịch, lễ hội sự kiện hàng đầu châu Á. Đặc biệt, Mộc Châu ( Sơn La) lần đầu tiên giành giải Điểm đến thiên nhiên cấp địa phương hàng đầu châu Á.

Mộc Châu là một điểm du lịch được yêu thích nhất khu vực Tây Bắc với cảnh quan thiên nhiên phong phú, môi trường trong lành, khí hậu mát mẻ. Nơi đây được quy hoạch trở thành khu vực động lực phát triển du lịch của tỉnh Sơn La và vùng Trung du miền núi Bắc Bộ với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có sức cạnh tranh cao gắn với cảnh quan tự nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc. Mộc Châu đã xây dựng đa dạng các sản phẩm du lịch như nghỉ dưỡng, sinh thái, trải nghiệm; cộng đồng, lễ hội, văn hóa, nông nghiệp..., góp phần bảo vệ môi trường, đa dạng loại hình dịch vụ và quan trọng là nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.

Các mô hình du lịch cộng đồng ở Mộc Châu được du khách trong và ngoài nước đặc biệt yêu thích. Ví dự như Homestay A Chu (bản Hua Tạt, xã Vân Hồ) đã giành Giải thưởng Du lịch ASEAN; Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh là Điểm du lịch sinh thái tiêu biểu. Điểm du lịch cộng đồng bản Áng được đông đảo du khách lựa chọn và các điểm dân cư cộng đồng, khu sinh thái có tiềm năng (bản Dọi, Nà Ka, Tà Số, Hang Táu...) được xây dựng thành điểm tham quan nghỉ dưỡng.

Mộc Châu đã phát huy lợi thế sẵn có từ địa phương với các sườn đồi, thung lũng, trang trại bò sữa, nhà vườn, cánh đồng hoa tam giác mạch, hoa cải, vườn chè… để phát triển du lịch. Các hộ dân đã sử dụng các nếp nhà truyền thống để làm nhà nghỉ cộng đồng hoặc mở nhà hàng, nấu các món ăn đậm chất địa phương phục vụ khách tham quan. Du khách đến đây sẽ trải nghiệm cùng đồng bào hái quả, trồng rau sạch, quan sát quy trình chế biến các sản phẩm từ sữa bò, hòa mình vào những điệu xòe Thái, dân ca cổ, ngủ nhà sàn truyền thống. Đồng bào ở Mộc Châu duy trì và phát triển nghề dệt truyền thống với nhiều sản phẩm hấp dẫn như khăn piêu, áo thổ cẩm, túi xách, rèm cửa, khăn tay…

Trong hai năm (2018 - 2019), lượng khách du lịch đến Mộc Châu tăng nhanh. Doanh thu từ du lịch tăng 5,1% từ 1.070 tỷ đồng năm 2018 lên 1.125 tỷ đồng năm 2019. Du khách chủ yếu đến từ thị trường nội địa, nhiều nhất là từ Hà Nội và các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Mộc Châu có đủ 4 mùa, mỗi mùa đều có một nét đặc trưng riêng biệt hấp dẫn nên du khách có thể đi tour du lịch lên đây vào bất cứ mùa nào để trải nghiệm và khám phá. Tầm tháng 9-10 hàng năm ở Mộc Châu là mùa hoa tam giác mạch, dã quỳ nở rộ, thích hợp cho các bạn trẻ lưu lại những bộ ảnh đẹp độc đáo nhất.

Hội An - Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á

Vượt qua nhiều điểm đến nổi tiếng khác như Bắc Kinh (Trung Quốc), Kyoto (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), New Delhi (Ấn Độ), thành phố Hội An, Quảng Nam đã vinh dự giành Giải “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á” năm 2022 của Giải thưởng Du lịch thế giới 2022 khu vực châu Á và châu Đại Dương. Đây là lần thứ 3 Hội An nhận giải thưởng danh giá này, lần đầu tiên vào năm 2019 và lần thứ 2 là năm 2021.

Giải thưởng quốc tế - khẳng định thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam ảnh 1
Phố cổ Hội An luôn là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN

Trước đó, vào tháng 7/2022, Tạp chí Travel + Leisure (Mỹ) đã công bố kết quả bình chọn Giải thưởng World’s Best Awards 2022, trong đó Hội An vinh dự góp mặt trong top 25 thành phố du lịch hàng đầu thế giới. Đây là giải thưởng thường niên do Tạp chí Travel + Leisure công bố dựa theo bình chọn của độc giả trên toàn thế giới. Hội An đã được bình chọn tại nhiều giải thưởng khác nhau như: Top 10 “Những thành phố hiếu khách nhất thế giới” do Traveller Review Awards trao tặng; “Thành phố quyến rũ nhất thế giới 2019”, “Một trong 50 địa điểm tuyệt nhất để đi du lịch năm 2019” do Tạp chí Travel + Leisure trao tặng…

Ngày 16/7/2019, Hội An trở thành tâm điểm chú ý khi hình ảnh tuyệt đẹp về Chùa Cầu - biểu tượng hơn 4 thế kỷ của Phố cổ Hội An được Google vinh danh trên trang chủ bằng những nét vẽ do Họa sỹ Shanti Rittgers thể hiện…

Những giải thưởng, sự tôn vinh này đã cho thấy sự hấp dẫn, sức sống bền bỉ của một đô thị cổ. Hội An được coi là một “bảo tàng sống” về lịch sử, kiến trúc và cư dân đô thị được giữ gìn nguyên vẹn để khai thác, phát huy giá trị di sản bền vững.

Theo Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Phố cổ Hội An được cấp Bằng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia vào tháng 3/1985; Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào tháng 12/1999; Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng công nhận Di tích cấp Quốc gia đặc biệt vào đợt 1 (tháng 8/2009). Năm 1999, khu Phố cổ Hội An đã có 1.360 di tích, với nhiều loại hình, được kiểm kê gồm: 10 di tích khảo cổ, 1.273 di tích kiến trúc - nghệ thuật, 69 di tích lịch sử cách mạng, 8 danh lam thắng cảnh. Các di tích phân bố theo trục đường truyền thống (nhỏ và hẹp), đậm sắc thái địa phương nhưng thể hiện rõ sự giao lưu hội nhập văn hoá mạnh mẽ với phương Đông và phương Tây.

Phố Hội hiện nay vẫn mang đậm chất cổ kính, trầm mặc. Dọc hai bên bờ sông Hoài, chuỗi nhà cổ san sát cùng những cây cầu chia phố Hội thành 3 không gian để buôn bán, sinh hoạt và thờ cúng. Các hoạt động văn hóa như thả đèn hoa đăng, hát bài chòi, làng nghề truyền thống, đạp xe khám phá phố cổ, chụp ảnh lưu niệm ở những góc phố, nếp nhà trong phố cổ…là những hoạt động được cả du khách nội địa và quốc tế ưa chuộng.

Hội An còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa phi vật thể, với nhiều lễ hội đang được bảo tồn và phát huy cùng làng nghề thủ công truyền thống. Văn hóa ẩm thực với những món ăn dân dã gắn liền với phố cổ như cơm gà, bánh mỳ, cao lầu, mỳ Quảng, chè, bánh cũng rất cuốn hút du khách…

Phố cổ Hội An đã thực sự trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - du lịch, dịch vụ, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân địa phương. Việc này cũng tạo ra điều kiện thuận lợi để tái đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bền vững.

Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) ra đời vào năm 1993 nhằm vinh danh thành tựu trong lĩnh vực du lịch và các điểm đến hàng đầu thế giới. Việt Nam đã hai lần được lựa chọn là nơi tổ chức Lễ trao giải World Travel Awards khu vực châu Á và châu Đại Dương, năm 2022 là tại Thành phố Hồ Chí Minh, còn lần đầu tiên là vào năm 2019 tại đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang). Được lựa chọn là nơi tổ chức lễ trao giải cùng những giải thưởng đã đạt đã góp phần tạo động lực phát triển và khẳng định vị trí của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.

Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 2705/VPCP-CN, truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai rà soát, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hướng xác định chính xác diện tích đất sử dụng cho sân bay và diện tích đất tái định cư cho dự án xây dựng sân bay Long Thành, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định bổ sung, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Ngày 24/4, tại Diễn đàn thường niên về Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI): Cuộc cách mạng tương lai, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII).
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
Các nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu đã giúp cứu được 154 triệu mạng sống trong 50 năm qua. Đáng chú ý, phần lớn những người được hưởng lợi là trẻ sơ sinh. Đây là kết quả mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 24/4, phản ánh hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu trong nhiều thập niên qua.
Bangkok gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu. Ảnh: UNESCO/S. Ussavasodhi
Bangkok gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu
(Ngày Nay) - Thành phố Bangkok, Thái Lan đã chính thức gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu (GNLC) của UNESCO vào đầu năm 2024, đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực biến Thủ đô của Thái Lan thành trung tâm giáo dục hàng đầu khu vực và thế giới.
Cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh có những thay đổi xã hội sâu sắc. Ảnh: Shutterstock
Ứng phó với những thách thức toàn cầu thông qua sáng kiến hợp tác
(Ngày Nay) - Trong bối cảnh những thay đổi xã hội sâu sắc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hội thảo “Định hình Chương trình Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn ở châu Á” sẽ tập trung vào việc xác định các ưu tiên nghiên cứu và các sáng kiến hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực.
Sự kiện "Phổ cập Giáo dục Truyền thông và Thông tin tại Ecuador" đã diễn ra tại thủ đô Quito (Ecuador). Ảnh: UNESCO
Ecuador đẩy mạnh giáo dục truyền thông và thông tin
(Ngày Nay) - Sự kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của “Phổ cập giáo dục truyền thông và thông tin tại Ecuador” (MIL) trong việc phát triển công dân kỹ thuật số có trách nhiệm, loại bỏ thứ ngôn từ thù hận và thông tin sai lệch.