Giải thưởng VHNT: Quan trọng nhất vẫn là chất lượng!

(Ngày Nay) - Cứ đến mỗi kỳ trao giải thưởng văn học nghệ thuật nào đó lại xảy ra đôi ba ì xèo, lắm khi cãi nhau như mổ bò, thiếu mỗi đưa nhau ra tòa để giải quyết. Không chỉ ở Việt Nam, đến như những giải thưởng danh giá nhất trên thế giới đôi khi cũng xảy ra chuyện chẳng “mát mặt”. Thế nên đòi hỏi giải thưởng làm đẹp lòng tất cả là chuyện bất khả thi khác nào làm dâu trăm họ!
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao giải thưởng Hồ Chí Minh cho các tác giả và thân nhân tác giả
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao giải thưởng Hồ Chí Minh cho các tác giả và thân nhân tác giả

Sau nhiều lần trì hoãn, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch cuối cùng cũng đã tổ chức thành công lễ trao Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, khép lại một mùa giải thưởng không ít lời ra tiếng vào. Nhưng vẫn còn đó câu hỏi: Có sửa đổi tiêu chí để tránh trường hợp bỏ sót hoặc không trao giải cho những tác giả có tác phẩm xuất sắc, được nhiều thế hệ người dân yêu mến trong khi lại không đủ tiêu chí mang tính thủ tục, giấy tờ? 

Chuyện bỏ sót, bỏ lọt thì ở đâu cũng có! Giải Nobel Văn chương ra đời năm 1905, 5 năm sau văn hào vĩ đại Lev Tolstoi mới qua đời, không trao cho “sư tử của văn học Nga” vẫn được xem là một “thiếu sót thế kỷ”. Và sau đó, danh sách những văn hào khác lỡ hẹn với giải Nobel tiếp tục dài ra: James Joyce, Jorge Luis Borges, Italo Calvino, John Updike... Giải thưởng này thường bị chê trách là thiên vị các nhà văn châu Âu, có động cơ chính trị, không vinh danh các tác phẩm cách tân...

Mang tiếng là vậy nhưng vì sao Giải Nobel vẫn được xem là giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực văn chương? Vì đơn giản là suốt hơn một thế kỷ qua, giải thưởng này chưa trao nhầm cho một tay viết văn dở nào cả! Kể cả những trường hợp gần như không ai biết đến trước khi được vinh danh như nhà văn Pháp gốc Trung Quốc Cao Hành Kiện (năm 2000); nhưng sau khi đọc tiểu thuyết “Linh sơn” và loạt vở kịch của ông, ai cũng phải công nhận là bậc thầy kết hợp văn học, văn hóa Trung Quốc với phương Tây.

Lan man chuyện xứ người để nhận ra: Một giải thưởng văn chương nghệ thuật có lý do chính đáng để tồn tại, để có tiếng vang, nhất thiết phải trao cho các tác phẩm có giá trị. Khổ nỗi, giá trị trong tác phẩm văn chương nghệ thuật không phải rõ ràng kiểu 1 + 1 = 2 như trong công trình trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Đã vậy, việc đánh giá tác phẩm văn học nghệ thuật bao đời nay luôn có những chuyện khôi hài, nay đúng mai sai hoặc 5 người 10 ý. Kiệt tác “Truyện Kiều” từng bị lên án dâm thư với thái độ tiêu biểu của vua Tự Đức, đại khái là Nguyễn Du còn sống thì vua sẽ khen là có tài làm thơ nhưng đồng thời cũng đánh cho vài roi vì tội viết sách hủ hóa. Tất nhiên, đến khi nước ta không tôn sùng Nho giáo và chế độ phong kiến sụp đổ, “Truyện Kiều” lại được đọc theo cách là tác phẩm giàu tính nhân đạo, có tính giáo dục cao.

Giải thưởng VHNT: Quan trọng nhất vẫn là chất lượng! ảnh 1Con trai nhà thơ Thu Bồn lên nhận giải thưởng Hồ Chí Minh

Để một giải thưởng có uy tín, nhất thiết cách thức tuyển chọn, quy trình thẩm định để vinh danh tác giả, tác phẩm phải thực sự nhất quán, ít chịu tác động thời cuộc. Giải thưởng nào cũng dựa trên số người có chuyên môn, trực tiếp làm nghề bình chọn. Có thể chỉ 10 người như giải văn học Goncourt của Pháp hoặc là hơn... 7.000 người như giải điện ảnh Oscar của Mỹ. Cơ cấu, thành phần tổ chức thẩm định các giải thưởng của chúng ta hiện nay khá tốt nên không cần phải thay đổi.

Nhưng chúng ta lại đặt nhiều tiêu chí xét giải không liên quan đến điều quan trọng nhất là chất lượng tác phẩm. Chẳng hạn, một trong những tiêu chí cần thiết để nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đó là: “Đã được tặng Giải thưởng cao nhất của Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành hoặc được tặng giải cao nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật quốc tế”. Quy định này rõ ràng là bất cập bởi một đạo diễn chỉ sản xuất phim chiếu ở rạp mà không gửi phim đi dự các liên hoan phim thì ông ta không có giải thưởng nhưng không có nghĩa là phim ông ta không hay.

Cho nên, thiết nghĩ cần bỏ những tiêu chí không thiết thực, thay vào đó cần tăng sự tự chủ, chịu trách nhiệm trước Nhà nước, nhân dân, đồng nghiệp của những người trong hội đồng. Sẽ đến lúc, văn nghệ sĩ không cần phải làm đơn, làm hồ sơ xét giải, chính hội đồng được trả lương sẽ làm nhiệm vụ tự đi tìm hoặc nhận sự đề cử tác phẩm để xem xét. Chính từng thành viên hội đồng sẽ phải tự trình bày một cách minh bạch trước dư luận vì sao chọn tác phẩm này chứ không phải tác phẩm kia để trao giải.

Thêm một lưu ý nữa, đánh giá tác phẩm văn học nghệ thuật cần thiên về cái khác biệt, cái độc đáo, tránh so sánh sự hơn kém cao thấp. Nhiều năm trước, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam từng bị một số nhà văn phản ứng vì cùng một hạng mục lại chia ra giải thưởng và tặng thưởng, khác nào huy chương vàng với huy chương bạc như thi đấu thể thao. 

Nhưng nguồn cơn của những tranh cãi rút cuộc là ở truyền thống văn hóa của nước ta quá coi trọng vấn đề chính danh. Cả đời làm nghệ thuật mà không có giải thưởng gì để lại trước khi về với tổ tiên thì e lại mang tiếng là... thiếu thành đạt so với đồng nghiệp. Ở chiều kích khác, không cần lấy ví dụ ở nước ngoài xa xôi, những Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Huy Thiệp... đã thực sự trở thành những người sáng tạo tầm vóc lớn trước khi được các giải thưởng vinh danh. Vậy cho nên, giải thưởng là động lực cho văn nghệ sĩ sáng tác nhưng không phải là tất cả!

Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh tiểu học
Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh tiểu học
(Ngày Nay) - Ngày 23/12, tại Nhà văn hóa thị xã Duy Tiên (Hà Nam), Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức chương trình Giao lưu giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn cấp tiểu học năm học 2024 - 2025.
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.