Sáng 3/10, ông Nguyễn Hoàng Thắng - Chủ tịch UBND phường Khương Thượng (quận Đống Đa) cho biết phường đang phối hợp với chủ đầu tư tiến hành giải phóng mặt bằng tuyến đường Trường Chinh. Đoạn "nút thắt cổ chai" gây tắc đường thời gian qua.
Theo ông Thắng, sau thời gian tuyên truyền, vận động, có 30 hộ dân đã trả mặt bằng, những hộ dân còn lại, UBND phường đã gửi thông báo từ cuối tháng 8, đầu tháng 9. Trong đợt giải phóng mặt bằng lần này có 262 hộ dân nằm trong diện giải tỏa. “Đối với những hộ dân còn vướng mắc, UBND phường sẽ kiên quyết xử lý để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công tuyến đường” - ông Thắng nói.
Dự án đường vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng (đường Trường Chinh) được khởi công từ tháng 10/2013, với tổng mức đầu tư gần 2.600 tỷ đồng. Dự án này nằm trong danh mục công trình trọng điểm của Hà Nội, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Năm 2014, khi tuyến đường đang được thi công, dư luận đã tranh cãi việc đường Trường Chinh bị “nắn” thẳng thành công.
Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, đường Trường Chinh có cong nhưng là “cong mềm mại” chứ không phải “cong hình ghi đông xe đạp” như phản ánh.
Theo tính toán, mỗi mét chiều dài tuyến đường này có giá gần 1,3 tỷ đồng. Dự án mở rộng đường Trường Chinh ban đầu dự kiến hoàn thành vào năm 2015 nhưng chậm tiến độ do chậm trễ trong viêc giải phóng mặt bằng. Đường vành đai 2 là tuyến giao thông đường bộ nội đô khép kín của Hà Nội có tổng chiều dài là 43,6 km. Tuyến đường chạy qua các điểm khống chế như Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - đường Trường Chinh - Ngã Tư Sở - đường Láng - Cầu Giấy - Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Đông Hội - cầu chui Gia Lâm - khu công nghiệp Hanel - Vĩnh Tuy tạo thành một vòng tròn vành đai khép kín.