Hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế trên chuyến bay
Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch, dự kiến ban đầu, chuyến bay đón công dân Việt Nam từ Guinea Xích Đạo về nước sẽ khởi hành đi đón đoàn công dân vào ngày 3/8. Tuy nhiên, hiện lịch bay được đẩy lên sớm hơn khoảng 1 tuần, tức là vào cuối tháng 7. Những ngày qua, bệnh viện đã gấp rút chuẩn bị nhân lực và tất cả các phương tiện cần thiết để đảm bảo an toàn nhất cho toàn bộ bệnh nhân cũng như nhân viên y tế trên chuyến bay.
Về nhân lực, bệnh viện cử 4 y bác sĩ thuộc khoa Cấp cứu, bao gồm 1 Tiến sĩ, bác sĩ là Phó khoa cùng 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng. Họ đều là những nhân viên y tế có năng lực chuyên môn tốt, nhiều kinh nghiệm.
Về phương tiện, bệnh viện đã chuẩn bị 2 máy thở, 2 máy siêu âm, hệ thống oxy và thuốc men, sẵn sàng cấp cứu cho những trường hợp bệnh trở nặng. Nếu có tình huống xấu, mục tiêu là cố gắng để bệnh nhân về được đến bệnh viện, sau đó sẽ huy động thêm nhiều nhân lực tiếp tục cấp cứu.
Một chuyến bay có tới 120 ca COVID-19, thời gian di chuyển dự kiến lên đến 15 giờ đồng hồ, chính vì vậy, bệnh viện đã lên phương án để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế. Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ khẩu trang, quần áo bảo hộ cho các y bác sĩ.
"Xác định đây là chuyến bay có nguy cơ lây nhiễm rất cao, bệnh viện đã tính đến nhiều phương án, trong đó đặc biệt chú ý đến phương án ăn uống. Tôi đã dặn anh em dùng lương khô ở chiều bay về, có thể dùng thêm sữa có ống hút..."- TS. Thạch chia sẻ.
Tất cả nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương xác định đây là 1 "cuộc chiến", nhân viên y tế là "chiến sĩ" đi vào mặt trận. Họ biết về nguy cơ lây nhiễm trên chuyến bay cũng như sự nguy hiểm của căn bệnh này. Tuy nhiên, theo Lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, "toàn thể anh em chúng tôi sẽ cố gắng hết sức".
Dành toàn bộ cơ sở 2 Kim Chung để điều trị COVID-19
Với số lượng ca COVID-19 nhập viện cùng lúc “lớn chưa từng có” chắc chắn sẽ gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều trị. Theo Giám đốc bệnh viện, khó khăn lớn nhất nằm ở việc phải làm sao đảm bảo công tác phòng ngừa lây lan trong bệnh viện khi số lượng bệnh nhân rất lớn.
Chính vì vậy, bệnh viện đã thống nhất dành toàn bộ các khoa phòng tại cơ sở Kim Chung (Đông Anh) với 400-500 phòng bệnh để phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19. Bệnh viện cũng sẽ đảm bảo giãn cách giữa tất cả khoa phòng, sao cho mật độ cách ly càng xa càng tốt, ít nhất là 2 mét giữa các giường bệnh.
Đến chiều 24/7, tất cả bệnh nhân thường đang điều trị tại đây đã được chuyển sang cơ sở Giải Phóng hoặc các cơ sở y tế khác để sẵn sàng cho công tác đón các ca dương tính.
Đưa các robot hỗ trợ điều trị vào thử nghiệm
TS. Thạch cho hay, bệnh viện hiện có khoảng hơn 100 máy thở, đủ để phục vụ cho công tác điều trị. Ngoài ra, vấn đề thuốc men, các trang thiết bị phục vụ chẩn đoán, chăm sóc và điều trị bệnh nhân cũng đã sẵn sàng. Đặc biệt, lần này bệnh viện cũng đưa các robot hỗ trợ điều trị vào thử nghiệm, hy vọng sẽ phát huy tốt tác dụng.
Về nhân lực, bệnh viện bố trí khoảng 250 nhân viên, bao gồm cả y bác sĩ, bảo vệ, nhân viên vệ sinh, hậu cần. Tất cả sẽ cách ly tại viện để tránh nguy cơ lây bệnh ra cộng đồng. Từng nhóm hiện đã được phân công nhiệm vụ cụ thể. Ngoài nhóm “vòng trong”, các nhân lực phía ngoài cũng trong tâm thế sẵn sàng được điều động, thay phiên.
"Trong đoàn 120 người mắc COVID-19 lần này, dự kiến sẽ có khoảng 10-15 ca nặng. Bệnh viện đã có những phương án để chuẩn bị máy thở và phương tiện ECMO, sẵn sàng ứng biến tùy theo tình huống cụ thể.
Còn về vấn đề tinh thần, tôi muốn nói rằng đã vào “trận đánh” thì không ai là không có những cảm xúc đan xen. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ nên chúng tôi sẵn sàng hy sinh. Qua các đợt, toàn bộ anh em trong viện cũng đã được thay phiên nhau nghỉ ngơi. Giờ đây, chúng tôi đã sẵn sàng cho “cuộc chiến mới”"- Lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW nhấn mạnh.