Trạm vũ trụ ISS, hoạt động như một phòng thí nghiệm khoa học vũ trụ và là sự hợp tác giữa Mỹ, Nga, Nhật Bản, Châu Âu và Canada, hiện dự kiến sẽ được vận hành cho đến năm 2030.
“Tôi sẽ nói với bạn một điều mà tôi rất quan tâm - và đó là một ngày sắp tới khi Trạm vũ trụ quốc tế kết thúc vòng đời hữu ích của nó", ông Bridenstine nói. “Để nước Mỹ tiếp tục hiện diện trên quỹ đạo Trái đất, chúng ta phải chuẩn bị cho những gì tiếp theo".
Giám đốc NASA đã yêu cầu 150 triệu USD cho năm tài chính 2021 để giúp phát triển các chương trình không gian trong tương lai.
“Chúng tôi muốn chứng kiến mối quan hệ đối tác công tư, nơi NASA có thể giao dịch với các nhà cung cấp trạm vũ trụ thương mại, để chúng tôi có thể duy trì sự hiện diện thường xuyên của con người ở quỹ đạo thấp của Trái đất”, Giám đốc NASA phát biểu. "Tôi không nghĩ rằng việc xây dựng một trạm vũ trụ quốc tế khác là vì lợi ích của quốc gia, tôi nghĩ rằng lợi ích của quốc gia là hỗ trợ ngành công nghiệp thương mại, nơi NASA là khách hàng."
Bridenstine cảnh báo các nhà lập pháp rằng nước Mỹ cần duy trì vị thế tối cao ngoài không gian trước viễn cảnh một trạm vũ trụ của Trung Quốc sẽ đi vào hoạt động vào năm 2022.
Để xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung, phía Trung Quốc đang hợp tác với 23 đơn vị từ 17 quốc gia để thực hiện các thí nghiệm khoa học.
Các quốc gia này bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển, như Pháp, Đức và Nhật Bản, cũng như Kenya và Peru, theo Tân Hoa xã.
“Trung Quốc đang nhanh chóng xây dựng cái mà họ gọi là 'Trạm vũ trụ quốc tế Trung Quốc' và họ đang nhanh chóng tiếp thị trạm vũ trụ đó cho tất cả các đối tác quốc tế của chúng ta. Sẽ là một bi kịch nếu chúng ta để trống khoảng không cho họ", ông Bridenstine cảnh báo.