Cơ hội tiếp cận giáo dục mầm non trên toàn cầu vẫn có sự chênh lệch lớn. Trong khi 89% trẻ em ở các quốc gia có thu nhập cao được hưởng lợi từ giáo dục mầm non, chỉ 35% trẻ em ở các quốc gia có thu nhập thấp có cơ hội được tiếp cận.
Những sự khác biệt rõ rệt này là chủ đề chính trong các cuộc thảo luận tại Đại hội Quốc tế về Khoa học Não bộ, Chăm sóc và Giáo dục Mầm non (ECCE), do UNESCO và Quỹ Babilou Family tổ chức. Gần 1.500 đại biểu, bao gồm các học giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu, giáo viên mầm non và các nhà hoạch định chính sách từ khắp nơi trên thế giới, tham gia trao đổi về vai trò quan trọng của giáo dục mầm non trong việc hình thành các thế hệ tương lai.
Học tập tuổi mầm non: Một đầu tư đáng giá
Bà Stefania Giannini, Trợ lý Tổng Giám đốc Giáo dục cUNESCO nhấn mạnh sự cần thiết việc tăng cường đầu tư vào chăm sóc và giáo dục trẻ nhỏ, cả trong chính sách và thực tiễn. Bà lưu ý rằng "ECCE mang lại lợi suất 13% thông qua việc cải thiện sức khỏe, kết quả kinh tế và sự gắn kết xã hội", đồng thời bà khẳng định tác động lan tỏa của các biện pháp can thiệp sớm đối với phúc lợi xã hội nói chung.
Bà Giannini cũng đề cập đến Tuyên bố Tashkent, được thông qua trong Hội nghị Thế giới UNESCO năm 2022 tại ECCE, kêu gọi các chính phủ dành ít nhất 10% ngân sách giáo dục cho ECCE. Bà nhấn mạnh rằng đây là một bước quan trọng hướng tới việc thu hẹp khoảng cách toàn cầu về khả năng tiếp cận giáo dục sớm và khẳng định nỗ lực chung cần thiết để đảm bảo cơ hội bình đẳng cho tất cả trẻ em.
Ông Christophe Fond, Tổng Giám đốc Điều hành của Babilou Family & Quỹ Babilou Family khẳng định vai trò của các nhà giáo dục ECCE, rằng "Giao phó con em cho các giáo viên ECCE là một trách nhiệm quan trọng, nhưng chúng ta thường không ghi nhận những đóng góp của họ". Ông kêu gọi các chính phủ ưu tiên cả khoa học thần kinh và giáo dục bền vững, bởi 1.000 ngày đầu đời của trẻ là thời gian quan trọng để giúp trẻ em phát triển toàn diện.
Bà Stefania Giannini, Trợ lý Tổng Giám đốc Giáo dục của UNESCO, và ông Christophe Fond, Giám đốc điều hành của Babilou Family & Quỹ Gia đình Babilou. Ảnh: Babilou/Arnaud de Tassigny. |
Cam kết toàn cầu
Ông Sharifxodjayev Usman Ulfatovich, Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Giáo dục Mầm non và Tiểu học của Cộng hòa Uzbekistan, đã trình bày về những bước tiến của đất nước mình trong việc mở rộng ECCE. "Vào năm 2017, chỉ có 27% trẻ em ở Uzbekistan được tiếp cận với ECCE. Ngày nay, con số này đã tăng lên 75%", ông bày tỏ hy vọng về việc đạt tỷ lệ 100% trong tương lai và kêu gọi các quốc gia khác thực hiện các mục tiêu của Tuyên bố Tashkent.
Ông Sunny Varkey, Đại sứ thiện chí của UNESCO và là người sáng lập Quỹ Varkey ví giáo dục mầm non như một công cụ để xây dựng những xã hội công bằng. Ông khẳng định "Bất kể câu hỏi là gì, giáo dục chính là câu trả lời".
Kỹ năng mềm: Chìa khóa cho hạnh phúc tương lai
Trong sự kiện, tinh thần xây dựng nền tảng vững chắc đã được nhấn mạnh, vì điều này thiết lập cơ sở cho việc học tập suốt đời. Giáo sư đoạt giải Nobel James Heckman đã đưa ra một lập luận toàn diện cho các biện pháp can thiệp thời thơ ấu, ông chứng minh đầu tư cho sự phát triển trẻ em không chỉ nâng cao các kỹ năng nhận thức và cảm xúc của trẻ mà còn góp phần giảm tội phạm, gia tăng cơ hội việc làm và thúc đẩy phúc lợi xã hội nói chung.
Heckman giải thích: "Các kỹ năng mềm, giờ đây đã có thể đo lường, nó là những chỉ số mạnh mẽ cho sự phát triển và hạnh phúc trong tương lai", đồng thời ông nhấn mạnh các can thiệp sớm không chỉ đóng góp vào thành công cá nhân mà còn góp phần vào sự thịnh vượng của xã hội. Ông kêu gọi các chính phủ và các bên liên quan coi giáo dục sớm là nền tảng cho mọi quá trình học tập trong tương lai, chứ không chỉ là một giai đoạn riêng biệt trong quá trình phát triển của trẻ.
Kết nối nghiên cứu với chính sách: Tầm nhìn toàn cầu
Hội nghị đã diễn ra 3 buổi thảo luận bàn tròn, tập trung vào những chủ đề quan trọng nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các kết quả nghiên cứu và tác động tiềm năng trong việc củng cố các chính sách chăm sóc và giáo dục mầm non trên toàn cầu.
Phiên thảo luận nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp nghiên cứu vào thực tiễn, các đại biểu kêu gọi tăng cường sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu và chuyên viên thực hành để đảm bảo các chính sách dựa trên bằng chứng được thực thi hiệu quả, đặc biệt tại các khu vực thu nhập thấp.
Lộ trình tương lai
Hội nghị Quốc tế về Khoa học Não bộ, Chăm sóc và Giáo dục Mầm non đã kết thúc với một lời kêu gọi hành động mạnh mẽ: Tương lai của giáo dục toàn cầu phụ thuộc vào việc ưu tiên phát triển trẻ em trong giai đoạn đầu đời. Điều này có thể đạt được thông qua các chính sách của chính phủ, sự tham gia tích cực của gia đình hoặc việc nâng cao chuyên môn cho đội ngũ giáo viên ECCE. Những khoản đầu tư sớm sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cả cá nhân lẫn toàn xã hội, tạo dựng nền tảng vững chắc cho một tương lai mà không đứa trẻ nào bị bỏ lại phía sau.
Hội nghị ECCE do UNESCO và Quỹ Babilou Family tổ chức. Ảnh: Babilou/Arnaud de Tassigny. |