Kể từ khi loại bỏ các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19, chính quyền Bắc Kinh trong những tháng gần đây đã tiến hành một loạt các hoạt động thương mại và ngoại giao gây tranh cãi.
Có thể liệt kê các động thái đó, bao gồm thúc đẩy hòa bình ở Ukraine trong khi đàm phán với Nga, trải thảm đỏ cho các nhà lãnh đạo phương Tây trong khi leo thang căng thẳng đối với Đài Loan, kêu gọi giới tài phiệt nước ngoài đầu tư trong khi kiểm soát mạnh tay lĩnh vực tư nhân trong nước.
Các nhà phân tích cho rằng các động thái chứa đựng thông điệp hỗn hợp này là kết quả của việc Chủ tịch Tập Cận Bình tập trung trở lại vào vấn đề an ninh quốc gia, được củng cố bởi mối quan hệ chạm đáy với nước Mỹ.
Ông Alfred Wu, phó hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore, cho biết: “Thực tế ở Trung Quốc đó là an ninh giờ đây vượt trội hơn tất cả mọi thứ, từ kinh tế đến ngoại giao”.
Vị chuyên gia này nhận định rằng sự tập trung quá mức vào an ninh đang làm tổn hại đến một số mối quan hệ ngoại giao của Trung Quốc và kế hoạch phục hồi nền kinh tế, ngay cả khi nước này tìm cách kiểm soát quyền lực của mình đối với các vấn đề địa chính trị quan trọng, bao gồm cả cuộc khủng hoảng Ukraine.
"Đối với tất cả những lĩnh vực Trung Quốc nói về việc muốn mở cửa với thế giới bên ngoài, họ đã dần dần đóng lại", ông Wu nói.
Trong bài phát biểu sau khi đảm bảo nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba vào tháng 10 năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tập trung vào chủ đề an ninh quốc gia, một khái niệm rộng bao gồm các vấn đề từ chính trị và kinh tế đến công nghệ và tranh chấp lãnh thổ.
Gần đây hơn, trong một bài phát biểu vào tháng 3 tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, ông Tập khẳng định: An ninh của Trung Quốc đang bị thách thức bởi những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của nước này.
Trong khi an ninh quốc gia luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của ông Tập kể từ khi nhậm chức vào năm 2012, hai nhiệm kỳ đầu tiên của ông tập trung nhiều hơn vào các vấn đề trong nước, đặc biệt là vấn đề sắc tộc tôn giáo ở khu vực Tân Cương.
Trong bài phát biểu vào tháng 10, ông đã bổ sung "an ninh bên ngoài" và "an ninh quốc tế", điều mà các nhà phân tích cho rằng báo hiệu một trọng tâm mới để chống lại các mối đe dọa từ nước ngoài, cụ thể là Mỹ.
Các quan chức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định rằng nước này là một cường quốc có trách nhiệm ủng hộ chủ nghĩa đa phương và toàn cầu hóa, đồng thời cáo buộc các quốc gia khác thổi phồng "mối đe dọa từ Trung Quốc".
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, nỗi ám ảnh về an ninh của Trung Quốc đã làm hỏng một số sáng kiến ngoại giao.
Ví dụ, những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy một kế hoạch hòa bình cho Ukraine đã vấp phải sự hoài nghi do nước này từ chối lên án Nga, một đồng minh thân cận và là nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất.
Tháng trước, khi ông Tập thực hiện cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, một số nhà phân tích coi đây là động thái "giải quyết thiệt hại" sau khi đại sứ Trung Quốc tại Pháp đặt câu hỏi về chủ quyền của Ukraine .
Charles Parton, một thành viên tại Hội đồng Địa chiến lược Anh, cho biết lời kêu gọi hòa bình của Trung Quốc ở Ukraine có liên quan đến xu thế đối đầu với Mỹ.
“Bắc Kinh không quan tâm liệu việc kiến tạo hòa bình của họ có hiệu quả hay không, điều quan trọng là đây là cơ hội để khắc họa người Mỹ với hình ảnh tiêu cực", ông Parton chỉ ra.
Các nhà phân tích cho biết, nỗ lực của Trung Quốc nhằm thu hút các đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng là một phần trong chiến lược chống lại ảnh hưởng của Washington, nhưng đã đạt được nhiều thành công khác nhau.
Họ chỉ ra cuộc gặp vào tháng trước tại Trung Quốc giữa ông Tập và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Những miêu tả về một cuộc gặp gỡ thân thiện, mang tính xây dựng đã bị hủy hoại bởi các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc tại eo biển Đài Loan chỉ vài giờ sau khi ông Macron rời đi.
Điều này đã làm dấy lên những lời chỉ trích về chuyến đi tới Bắc Kinh của ông Macron như một hành động "chiều chuộng" chính phủ Trung Quốc. Các quan chức EU sau đó kêu gọi một quan điểm cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.
Trọng tâm an ninh của Trung Quốc cũng có nguy cơ cô lập nền kinh tế, vốn đang nỗ lực tái thiết sau đại dịch COVID-19.
Tại hai hội nghị thượng đỉnh kinh doanh cấp cao ở Trung Quốc vào tháng 3, các quan chức nước này đã cố gắng nhấn mạnh rằng các hoạt động kinh doanh đã trở lại bình thường.
Nhưng trong những tuần gần đây, Trung Quốc cũng đã thông qua một bản cập nhật rộng rãi về luật chống gián điệp và thực hiện điều mà Mỹ nói là hành động "trừng phạt" đối với một số công ty nước ngoài ở Trung Quốc.
Lester Ross, người đứng đầu ủy ban chính sách Trung Quốc của Phòng Thương mại Mỹ, cho biết: “Các lực lượng an ninh ở Trung Quốc dường như đã được khuyến khích, đồng thời Trung Quốc tìm cách thu hút thêm đầu tư nước ngoài”.
Các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đây cho biết chính quyền Bắc Kinh hoan nghênh các công ty nước ngoài, miễn là họ tuân thủ luật pháp.
Thay vì lạc quan về việc Trung Quốc mở cửa trở lại, tâm lý e ngại đang bao trùm giới đầu tư nước ngoài, chưa kể tới xu hướng đối đầu chiến lược với Mỹ càng khiến các công ty quốc tế rót vốn vào thị trường "tỷ dân".
Ray Dalio, người sáng lập một trong những quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới Bridgewater và là một người nổi tiếng thân thiện với Trung Quốc, nhận định rằng Washington và Bắc Kinh đang rất gần với việc vượt qua các lằn ranh đỏ mà nếu vượt qua, sẽ đẩy cả hai đến bờ vực của một cuộc chiến tranh "gây thiệt hại cho trật tự thế giới theo những cách nghiêm trọng và không thể thay đổi được".