Giới trẻ Hàn Quốc và Trung Quốc nổi tiếng là những người tiên phong gìn giữ và lan tỏa văn hóa truyền thống thông qua nhiều phương thức sáng tạo và hiệu quả. Âm nhạc, phim ảnh, nghệ thuật, và các trang mạng xã hội đã trở thành công cụ hữu ích để thế hệ trẻ tiếp cận, bảo tồn, lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống.
Làn sóng Hàn Quốc
Tận dụng tầm ảnh hưởng quốc tế đang ngày càng lớn mạnh của văn hóa Hallyu (Làn sóng Hàn Quốc hay Hàn lưu, miêu tả sự lan tỏa và phổ biến của văn hóa Hàn Quốc ra nước ngoài), một số người nổi tiếng Hàn Quốc đã tích cực quảng bá nghệ thuật và thủ công truyền thống của đất nước mình.
Làm mới thời trang truyền thống
Cho đến nay, BTS được xem là cái tên điển hình, biểu tượng thành công vang dội nhất của nền văn hóa Hallyu. "Cơn sốt" BTS đã tốn không ít giấy mực của giới chuyên gia. Mỗi hoạt động của họ đều thu hút sự quan tâm lớn công chúng.
BTS đã tận dụng tầm ảnh hưởng của nhóm để quảng bá văn hóa Hàn Quốc ra thế giới. Nhóm nhạc toàn cầu này thường xuyên lồng ghép yếu tố văn hóa truyền thống vào các sản phẩm của mình. Đơn cử như "IDOL", một bài hát có sự hòa âm với giai điệu pansori (một loại hình nghệ thuật truyền thống của Hàn Quốc rất phổ biến vào thế kỉ 19) và lời khích lệ "eolssu" thường được dùng trong những buổi diễn pansori truyền thống. Bên cạnh đó, một số nhạc cụ khác như kèn cung gakgung, chiêng đồng kkwaenggwari và trống truyền thống janggu cũng được đưa vào sử dụng.
BTS nhiều lần được khen ngợi vì thường xuyên mặc hanbok Hàn Quốc trong các sự kiện, sân khấu trình diễn. Năm 2020, trên chương trình truyền hình đêm khuya nổi tiếng của Mỹ, The Tonight Show Starring Jimmy Fallon, BTS đã trình diễn ca khúc "IDOL" theo phong cách cổ trang với những bộ hanbok cách tân màu đen. Tiết mục được ghi hình tại cung điện Gyeongbokgung, một trong năm cố cung có quy mô hoành tráng nhất ở Seoul, Hàn Quốc.
BTS biểu diễn tại cung điện Gyeongbokgung. Ảnh: HYBE Labels |
Tương tự, nhiều ngôi sao nữ cũng thường xuyên lan tỏa trang phục truyền thống tới bạn bè quốc tế. Diễn viên, người mẫu Jung Ho-yeon tự tin diện daengi và cheopji, hai loại phụ kiện tóc truyền thống của Hàn Quốc trên thảm đỏ Lễ trao Giải Nghiệp đoàn diễn viên màn ảnh (Screen Actors Guild Awards) và Giải Primetime Emmy (một giải thưởng của Mỹ trong lĩnh vực truyền hình) vào năm ngoái. Kể từ khi nổi lên thành ngôi sao toàn cầu nhờ vai diễn trong bộ phim "Squid Game" (2021) của Netflix, báo chí nước ngoài cũng ca ngợi phong cách thời trang của cô phù hợp với văn hóa Hàn Quốc.
Jung Ho-yeon với trâm cài cheopji. Ảnh: Newsis |
Jang Won-young của nhóm nhạc IVE cũng đã cài trâm hình phượng hoàng khi tham dự Tuần lễ thời trang Paris vào tháng 10/2022. Cô chia sẻ trong một video của tạp chí Vogue Hàn Quốc vào thời điểm đó: "Tôi đã mang chiếc binyeo này từ Hàn Quốc sang đây vì muốn khoe với bạn bè quốc tế vẻ đẹp của Hàn Quốc."
Blackpink cũng được khán giả khen ngợi khi góp phần quảng bá văn hóa Hàn Quốc thông qua MV "How You Like That" (2020). Trong MV, bốn cô nàng diện Hanbok cách tân độc đáo, tạo nên cơn sốt không chỉ trong cộng đồng người hâm mộ mà còn lan rộng ra cả giới thời trang. Những bộ Hanbok theo "phong cách Blackpink" liên tục cháy hàng.
"Làm sống lại" đồ thủ công
RM, trưởng nhóm BTS, một người rất tích cực quảng bá nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc. Là một người yêu thích sưu tầm, anh đã thể hiện tình cảm sâu sắc với nghệ thuật Hàn Quốc, bao gồm tất cả các thể loại nghệ thuật đương đại, cổ xưa và thủ công. Album solo mới nhất của RM, "Indigo" (2022), đạt vị trí thứ ba trên Billboard 200, là một ví dụ khác về việc tăng cường quảng bá cho nghệ thuật Hàn Quốc, đặc biệt là tranh đơn sắc dansaekhwa.
Nhóm nhạc nữ NewJeans góp phần giới thiệu về nét đẹp nổi bật của Hanji, một loại giấy truyền thống của Hàn Quốc, trong một video của Viện thiết kế và thủ công mỹ nghệ Hàn Quốc vào hồi đầu năm 2023. Các cô gái đã cùng nhau chia sẻ về những điểm nổi bật của giấy như độ bền vượt trội, sau đó trực tiếp trải nghiệm làm loại giấy truyền thống này để lưu giữ tài sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Video này đã thu hút 160.000 lượt xem trên YouTube, tràn ngập những bình luận cảm ơn NewJeans vì đã làm cho giấy truyền thống của Hàn Quốc được biết đến.
NewJeans tự làm giấy Hanji. Ảnh: JoongAng Ilbo |
Mỗi hoạt động của thần tượng đều nhận được sự quan tâm nhất định từ người hâm mộ và công chúng. Những nghệ sĩ trẻ Hàn Quốc đã và đang tận dụng mạng xã hội và độ nổi tiếng của mình để quảng bá văn hóa truyền thống. Việc này vừa là sứ mệnh, cũng vừa thể hiện sở thích của họ. Dù ít hay nhiều, họ cũng đã giúp văn hóa truyền thống nước mình vươn ra thế giới.
Ngọn lửa văn hóa Trung Hoa
Nhắc đến Trung Quốc, người ta thường nghĩ tới một đất nước rộng lớn với bề dày lịch sử, văn hóa truyền thống lâu đời. Giữa dòng chảy hiện đại, giới trẻ Trung Quốc đang đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa. Họ không chỉ là người tiếp nối, mà còn là người tiên phong sáng tạo, đổi mới, đưa văn hóa truyền thống vào đời sống hiện đại.
Vlogger người Trung Quốc Lý Tử Thất đã ghi danh vào Kỷ lục Guinness Thế giới với danh hiệu "Kênh tiếng Trung Quốc có nhiều người đăng ký nhất trên YouTube", hiện sở hữu 18,5 triệu người theo dõi.
Các video của Lý Tử Thất đưa người xem vào hành trình khám phá văn hóa Trung Quốc đầy màu sắc. Qua những thước phim sống động, cô giới thiệu các món ăn truyền thống được chế biến từ nguyên liệu địa phương và dụng cụ nấu nướng giản dị. Khán giả được chiêm ngưỡng kỹ thuật thêu thùa tinh xảo, những nét đẹp bình dị trong đời sống nông thôn Trung Quốc.
Điểm đặc biệt là video của cô không có phụ đề hay lời thoại, nhưng vẫn thu hút hàng triệu người xem từ khắp nơi trên thế giới. Các video liên tục đạt hàng chục, thậm chí gần 100 triệu lượt xem. Lý Tử Thất khéo léo sử dụng hình ảnh và âm nhạc để truyền tải thông điệp một cách tinh tế, vượt qua rào cản ngôn ngữ và khoảng cách văn hóa.
Các video của Lý Tử Thất thu hút hàng chục triệu lượt xem. Ảnh: Lý Tử Thất |
Ngoài Lý Tử Thất, nhiều thanh niên Trung Quốc khác cũng đang tận dụng công nghệ và mạng xã hội để chia sẻ nét đẹp văn hóa đất nước mình. Họ đăng tải những video ngắn về các chủ đề đa dạng, từ ẩm thực, trang phục, đến âm nhạc và lễ hội truyền thống lên nền tảng mạng xã hội như Weibo, WeChat và Douyin…
Nghệ thuật truyền thống được ứng dụng sáng tạo
Cắt giấy, một nét đẹp nghệ thuật truyền thống của Trung Quốc đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, từ ẩm thực đến thời trang.
Liu Shan, một người yêu thích nghệ thuật cắt giấy truyền thống Trung Quốc đã kết hợp niềm đam mê của mình với nghề làm bánh để tạo ra món bánh quy độc đáo: bánh quy hình con giáp theo phong cách cắt giấy. Video của cô đăng tải chiếc bánh quy được trang trí bằng hình rồng thu hút hơn 2,6 triệu lượt xem và 130.000 lượt thích. Hình ảnh rồng uốn lượn được cắt tỉ mỉ bằng giấy màu đỏ mang đến sự tinh tế và độc đáo cho món bánh, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
Bánh hình rồng do Liu Shan sáng tạo. Ảnh: Liu Shan |
Năm ngoái, cô nảy ra ý tưởng làm bánh quy hình con thỏ, biểu tượng cho năm 2023 (theo người Trung Quốc). Video về món bánh quy thỏ của cô nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý của nhiều người. Năm nay, Liu quyết định thử thách bản thân với hình ảnh rồng phức tạp hơn. Cô bắt đầu thiết kế mẫu rồng từ tháng 11/2023. Liu dự định sẽ hoàn thành một loạt bánh quy với hình ảnh của 12 con giáp trong vòng 10 năm tới.
Chen Lingling, nữ thợ thủ công trẻ đầy tài năng đã tạo ra chiếc áo choàng độc đáo với hoa văn cắt giấy truyền thống Trung Quốc. Là người đam mê di sản văn hóa phi vật thể, Chen mong muốn biến những giá trị truyền thống thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt là đối với giới trẻ. Chiếc áo choàng Tết Nguyên Đán của cô được trang trí bằng những họa tiết mang ý nghĩa tốt lành như phượng hoàng và cá vàng, thể hiện lời chúc cho một năm mới an khang, thịnh vượng. Video giới thiệu về chiếc áo choàng nhận được hơn 750.000 lượt xem trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý của đông đảo người hâm mộ từ cả Trung Quốc và quốc tế.
Chen Lingling mặc áo choàng có họa tiết cắt giấy. Ảnh: Chen Lingling |
Xu hướng thời trang độc đáo
Hán phục, trang phục truyền thống của người Trung Quốc, được xem như biểu tượng của di sản văn hóa. Với lịch sử lâu đời và những giá trị thẩm mỹ độc đáo, Hán phục thể hiện tinh hoa văn hóa và bản sắc dân tộc Trung Quốc. Ngày nay, hình ảnh những giới trẻ khoác lên mình những bộ Hán phục đầy màu sắc không còn xa lạ. Trên đường phố hay trong công viên, đặc biệt là vào các dịp lễ hội, không khó để bắt gặp những tà áo truyền thống thướt tha, uyển chuyển.
Nhiều người có thể nghĩ bộ đồ ngủ đệm bông chỉ để mặc ở nhà. Tuy nhiên, ở tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc, đây lại là trang phục ngoài trời phổ biến vào mùa đông. Người dân địa phương ưa chuộng loại quần áo này vì sự thoải mái, giá cả phải chăng, giúp họ chống lại cái lạnh ẩm ướt.
Năm nay, bốn nhà thiết kế trẻ người Bắc Kinh đã tạo nên xu hướng thời trang độc đáo khi kết hợp các yếu tố từ bộ đồ ngủ đệm bông và Nuo Opera (hình thức kịch dân gian phổ biến ở Hồ Nam), để tạo ra một chiếc áo khoác thời trang. Họ cũng áp dụng ý tưởng này vào các trang phục truyền thống của các tỉnh khác khác để thu hút thị hiếu giới trẻ. Nhờ sự sáng tạo này, các bài đăng của họ nhận được hơn 800.000 lượt xem trực tuyến.
Áo khoác thời trang từ đồ ngủ đệm bông. Ảnh: Xiaohongshu |
Theo báo cáo của Xiaohongshu (nền tảng mạng xã hội tập trung vào lối sống), trong khoảng thời gian từ ngày 9/2 (đêm Giao thừa âm lịch) đến ngày 16/2, người dùng đã tải lên gần 1 triệu bài đăng với hashtag "tái tạo". Điều này cho thấy xu hướng "tái tạo" trang phục truyền thống đang ngày càng phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ.
Sự sáng tạo và nhiệt huyết của giới trẻ Hàn Quốc và Trung Quốc trong bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống đang là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho người trẻ khắp thế giới. Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ là trách nhiệm của thế hệ trước, mà còn là sứ mệnh chung của thế hệ trẻ thời đại mới.