Nở rộ các khóa học xây kênh TikTok
Tốt nghiệp ngành phát thanh - truyền hình, Thu Hiền (26 tuổi, Nam Định) chia sẻ, cô đã cố gắng bám trụ ở Hà Nội trong hơn một năm nhưng không sống được bằng ngành học mà chuyển sang bán các khóa học tiếng Anh. Đại dịch COVID-19 khiến chi phí sinh hoạt tăng chóng mặt, Hiền phải về quê và làm môi giới tại một showroom ô tô. Sau khi lập gia đình, cô không trở lại showroom ô tô mà chuyển sang bán hàng online. “Xu hướng làm công ăn lương ổn định không còn phù hợp trong thời đại này”, Hiền nói. “Lướt TikTok thấy nhiều người quảng cáo về các khóa học xây dựng kênh bán hàng, tôi liền tìm hiểu rồi đăng ký thử”.
Quay trở lại Hà Nội, Hiền đăng ký một khóa học ngắn xây dựng kênh bán hàng trên TikTok. Bỏ ra gần 10 triệu đồng cho 6 buổi học cơ bản và nâng cao, bà mẹ một con này được hướng dẫn cách lựa chọn sản phẩm, cách lên ý tưởng kịch bản và quay dựng video.
Giống như Hiền, nhiều người dùng TikTok hiện đang tìm hiểu cơ hội khai thác tiềm năng thương mại từ nền tảng chia sẻ video ngắn và livestream này. Nhiều người trong số đó là các đại lý, nhà sản xuất, nhưng có không ít người chỉ chọn làm tiếp thị liên kết (affiliate marketing), một hình thức kinh doanh mà các chủ kênh TikTok không cần nhập hàng để bán mà chỉ nhận hoa hồng trên mỗi đơn hàng.
Chỉ cần gõ từ khóa “cách xây kênh TikTok”, không khó để người dùng bắt gặp những video và livestream chia sẻ về những kinh nghiệm và kiến thức xây dựng kênh TikTok, chiến lược làm nội dung, cho tới lộ trình kinh doanh trên TikTok...
Không khó để tìm kiếm những video dạy cách xây kênh TikTok. |
Những video này thu hút hàng triệu lượt xem và tương tác, cho thấy nhu cầu kinh doanh ngày một lớn dần của người dùng TikTok. Đứng trước cơ hội có được một khoản thu nhập lớn trong thời gian ngắn, chỉ phải bỏ ra ít nguồn lực, không ít người trẻ cảm thấy thôi thúc phải lập nghiệp trên TikTok bằng cách tham gia các khóa học.
Từng nhiều năm kinh doanh trên Facebook, nhưng khi chuyển sang trên TikTok, Khánh Huyền (24 tuổi, Nghệ An) nhanh chóng chán nản vì chưa có doanh số như mong đợi. Kể từ khi TikTok ra mắt tính năng mua sắm, Huyền quyết định đầu tư thời gian tìm hiểu sâu về nền tảng này.
Khánh Huyền cho biết cô gặp không ít những lời mời chào các khóa học xây dựng kênh, có cả đắt lẫn rẻ, tới từ các chuyên gia và người có tầm ảnh hưởng. Huyền cho biết để tránh gặp tình trạng “bị lùa gà”, cô ưu tiên chọn những khóa học dễ hiểu, dễ thực chiến.
“Ngày trước tôi mất công xây kênh, livestream suốt 2 tháng nhưng không ai xem. Có lúc tôi đã bỏ cuộc”, Huyền nhớ lại và cho biết việc tham gia các khóa học và nghe những chia sẻ của người đi trước giúp cô hiểu ra mình còn thiếu những gì.
Trước đó, Huyền từng lập một kênh TikTok kinh doanh mỹ phẩm. Nhưng tỷ lệ chuyển đổi (nhiều lượt xem nhưng ít đơn đặt) của mặt hàng này không cao khiến cô chuyển sang mặt hàng đồ trẻ em và gia dụng.
Theo Huyền, so với việc phải livestream và nhập hàng như trước đây trên Facebook, lựa chọn làm tiếp thị liên kết đem lại ít rủi ro, giúp cô dành nhiều thời gian để chăm sóc con thay vì dành cả ngày để kiểm tra đơn, đóng hàng.
Hiện tại, bán hàng trên TikTok đã trở thành nguồn thu nhập chính của Huyền. Cứ mỗi cuối tuần, Huyền lại lên kịch bản video cho tuần tiếp theo, sau đó dành một ngày để quay khoảng 50 video và dàn dựng.
“Nội dung trên TikTok đòi hỏi sự hấp dẫn và sáng tạo để giữ chân người xem. Các khóa học giúp tôi hiểu mình cần chỉn chu trong mọi khâu”, Huyền nói.
Công thức “10-10-80”
Kể từ năm 2019, đặc biệt là khi đại dịch COVID-19 bùng phát, TikTok đã có sự phát triển mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Ứng dụng này đã vươn lên từ một mạng xã hội nơi người dùng chia sẻ các video ngắn trên nền nhạc vui tươi, dần trở thành một nền tảng thu hút nhiều người dùng.
Việt Nam hiện xếp thứ 6 trong top 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok lớn nhất thế giới, với khoảng 49,9 triệu người dùng. Cũng theo DataReportal, Việt Nam có khoảng 70 triệu người dùng mạng xã hội, điều này đồng nghĩa với việc người dùng TikTok chiếm tới gần 71,3% trong số đó.
Cuối tháng 4/2022, TikTok ra mắt sàn thương mại điện tử mang tên TikTok Shop mà theo TikTok Việt Nam, tính năng này “sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang dần phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đồng thời cung cấp trải nghiệm mua sắm mới mẻ cho người dùng và cơ hội phát triển cho các nhà sáng tạo nội dung”.
Kể từ khi ra mắt, tính năng TikTok Shop đã vươn lên đứng thứ hai về doanh thu trong số các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam. Cụ thể, báo cáo 9 tháng đầu năm 2023 của nền tảng Metric cho biết TikTok Shop dù ra đời muộn nhưng đã chen chân vào top 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam, với doanh thu lên tới 25.000 tỷ đồng.
Sự phát triển của tính năng TikTok Shop bắt nguồn từ chính những video ngắn quảng cáo các mặt hàng đa dạng nhưng thu hút hàng triệu, hoặc lên tới hàng chục triệu lượt xem. Các chủ kênh và những người có sức ảnh hưởng sẽ kiếm được một khoản nhỏ tiền hoa hồng qua hình thức tiếp thị liên kết. Một video sau khi lên xu hướng sẽ giúp chủ kênh trở nên nổi tiếng chỉ trong vòng 5-10 phút, đồng thời đẩy doanh thu theo ngày tăng lên chóng mặt.
Theo một số chủ kênh TikTok, trung bình tỷ lệ chia hoa hồng trên mỗi đơn hàng sẽ là 10% cho nhà sáng tạo, 10% cho TikTok và 80% cho nhà sản xuất. Dù tỷ lệ hoa hồng thấp, nhưng với việc mỗi video thu về hàng nghìn tới chục nghìn đơn, không khó để nhận ra việc bán hàng trên TikTok đang trở thành một ngành nghề hấp dẫn nhiều người tại Việt Nam.
Yến Linh (26 tuổi, TP Hồ Chí Minh), cho biết bản thân phải tham gia nhiều khóa đào tạo xây dựng kênh TikTok, thậm chí là chi nhiều tiền hơn để học các lớp hướng dẫn 1-1 để được cập nhật thường xuyên thuật toán của nền tảng. Khi đã có nền tảng và tập trung vào làm TikTok, một số video của Linh đã lên xu hướng của TikTok, giúp kênh của cô thu về doanh số hơn 1 tỷ đồng chỉ trong vòng 6 ngày.
“Tôi cảm thấy thực sự rất vui và lúc đầu còn không tin vào mắt mình khi nhìn thấy con số đó”, Linh cho biết.
Yến Linh cho biết cô thường quay từ 50-70 video để đăng trong một tuần. |
Là người mở các khóa đào tạo xây dựng thương hiệu trên TikTok, ông Phạm Minh Hùng (CEO công ty PHS Group), cho biết ưu điểm của nền tảng này so với các sàn thương mại điện tử khác đó là ngoài tương tác trực diện, hành trình giao dịch trên TikTok được rút ngắn từ vài phút xuống còn một chạm.
Theo ông Hùng, TikTok đang tạo ra một sân chơi phi tập trung, nơi ai cũng có cơ hội thành công nếu có giá trị và tài năng. Trong một môi trường tiềm năng như vậy, rất dễ để thu hút những người mới gia nhập và xây dựng thương hiệu cá nhân.
“Hiện nay, TikTok đang thúc đẩy làn sóng ra đời của các KOC (Key Opinion Consumer - người tiêu dùng có sức ảnh hưởng). Việc những người dùng TikTok thông thường trở thành các KOC chuyên nghiệp và giúp họ thu về lợi nhuận từ việc bán hàng hoặc quảng cáo càng thúc đẩy xu hướng học làm TikTok”, ông Hùng chỉ ra.
Sự bùng nổ của TikTok cũng thúc đẩy nhiều KOL, KOC mở các khóa học đào tạo xây dựng kênh để vừa chia sẻ kinh nghiệm, vừa tạo ra một cộng đồng mạnh. Nhưng “lắm thầy thì nhiều ma”, chắc chắn sẽ có những hiện tượng tiêu cực.
Bình luận về vấn đề này, ông Phạm Minh Hùng cho rằng bất kỳ ai muốn khởi nghiệp từ TikTok cần phải hiểu rõ giá trị cốt lõi của bản thân và biết tận dụng nguồn lực sẵn có.
Cũng theo ông Hùng, TikTok đang hợp tác với các cơ quan chức năng tại Việt Nam để tạo ra những giá trị thực tế, tiêu biểu là thúc đẩy giá trị thương mại và tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản.
“Hiện tại, thực phẩm là ngành đem lại doanh thu cao thứ tư trên nền tảng TikTok”, ông Hùng cho biết. “Đây cũng là cơ hội để người dân tại vùng sâu vùng xa tiếp cận các nền tảng công nghệ mới”.
Chia sẻ về câu chuyện đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử tại một tọa đàm cuối năm 2022, ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc chính sách TikTok Việt Nam, cho biết nền tảng này đã triển khai nhiều hoạt động thương mại và tạo cơ hội cho nhiều thanh niên nông thôn từ zero thành hero, chỉ sau vài tháng có vài triệu lượt theo dõi.
“TikTok cho phép mở cửa hàng trên nền tảng hoàn toàn miễn phí, do vậy mọi người hoàn toàn có thể tìm kiếm cơ hội từ đây”, ông Lâm Thanh bình luận. “Cộng đồng rất quan tâm đến những sản phẩm nông nghiệp, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP độc đáo, đây là cơ hội cho những thanh niên nông thôn nếu muốn khởi nghiệp”.
Còn với Thu Hiền, dù 50 video trên kênh của cô chưa đem lại doanh thu như kỳ vọng ban đầu, nhưng các kỹ năng sáng tạo nội dung và lập kế hoạch truyền thông mà cô thu được từ các khóa đào tạo TikTok giúp cô tự tin với những gì mình đang làm.
“Dù chưa được lên trào lưu, nhưng tôi không quá nản. Tôi luôn tự nhủ bản thân cần sáng tạo trong mỗi video mới”, Hiền nói.
TikTok vẫn còn nhiều sai phạm
Đầu tháng 10/2023, báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết Tiktok chưa công bố thông tin về chủ sở hữu ứng dụng trên trang chủ của ứng dụng TikTok Shop theo quy định, chưa lưu trữ đầy đủ thông tin người bán theo quy định khi đăng ký sử dụng dịch vụ; chưa thực hiện đầy đủ việc kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin về hàng hóa của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định. Do Văn phòng TikTok thực hiện thủ tục đăng ký thiết lập “Sàn giao dịch thương mại” thông qua ứng dụng TikTok theo ủy quyền của TikTok Singapore, nên theo quy định về thương mại điện tử, Văn phòng TikTok và Công ty TikTok tại Việt Nam phải liên đới chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm trong việc cung cấp dịch vụ này theo quy định của pháp luật Việt Nam.