Vay vì đang cần tiền... "tiếp bạn"
Anh H. (34 tuổi, ở Tam Kỳ, Quảng Nam), cho biết sau khi hoàn tất nghĩa vụ tài chính cho gói vay mua điện thoại di động trả góp, tháng 10/2019, do cần tiền, anh đã vay tín chấp 30 triệu đồng của một công ty tài chính.
Theo chương trình gói vay lúc đó, mỗi tháng anh phải trả 3 triệu đồng trong vòng 20 tháng, anh được khuyến mãi 2 tháng, chỉ trả 18 tháng. Với số tiền phải trả 3 triệu đồng mỗi tháng, như vậy, đến hạn trả cuối cùng thì tổng số tiền cả gốc lẫn lãi anh phải trả là 54 triệu đồng.
Khi được hỏi tại sao tiền lãi phải nhiều hơn cả tiền gốc vay, anh H. nói rằng dù biết vậy, nhưng khi ấy đang cần tiền để “tiếp đãi” bạn bè mà vay mượn người thân không được nên vay tín chấp cho nhanh.
“Công việc của tôi mỗi tháng kiếm được hơn 7 triệu đồng, mỗi tháng trả 3 triệu đồng, còn 4 triệu đồng tiêu cũng được, vì không phải tốn tiền thuê nhà hay tiền ăn (anh H. ở với cha mẹ). Với lại, tiền lương làm thì mình cũng tiêu, mà đang có việc cần gấp nên mình vay để xử lí”, anh H. giải thích.
Trong khi đấy, anh V. (36 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết tháng 7/2019, vì quá cần tiền, nên anh bàn với vợ để vay 50 triệu đồng trong thời hạn 36 tháng.
Về mục đích vay, anh V. cho biết: “Trong 50 triệu đồng đó, mình dùng khoảng 35 đồng triệu để mua xe máy cho vợ, số còn lại thì để chi tiêu bình thường”. Cũng theo anh V., theo hợp đồng gói vay lúc ấy, anh trả mỗi tháng 2,8 triệu đồng, như vậy, tổng tiền lãi lẫn gốc anh phải trả là hơn 100 triệu đồng.
Khi được hỏi tại sao lại vay như vậy trong khi phải “gánh” lãi suất rất cao, anh V. nói rằng “thì biết vậy, nhưng mình đang cần tiền, trong khi không đủ điều kiện để vay thế chấp. Với lại, vợ chồng cũng cân đối được việc trả nợ từ thu nhập hằng tháng,…”.
Cầm xe, bán điện thoại để trả nợ
Sở dĩ anh V. nói hai vợ chồng có thể cân đối được tiền trả nợ hằng tháng, là tổng thu nhập của vợ chồng anh mỗi tháng gần 16 triệu đồng. Tuy nhiên, cả hai lại quên mất rằng hằng tháng, vợ chồng anh phải dành khoảng 8 triệu đồng trả tiền thuê nhà và ăn uống. Cả vợ chồng anh V. lại… quên rằng, mình còn một khoản trả góp khi mua điện thoại cho vợ trước đó, với số tiền trả hằng tháng là hơn 1,7 triệu đồng.
“Trước khi dịch xảy ra, sau một tháng trải qua các kỳ thanh toán cho hai khoản, tôi mới nhận ra là mỗi tháng mình không còn bao nhiêu, vì đâu phải đi làm về là ru rú ở nhà đâu”, anh V. cho biết.
Tuy nhiên, theo lời anh V., thì khi ấy còn xoay sở được, dù không thoải mái nhưng ít ra cũng không bị áp lực. Cho đến khi dịch Covid-19 xuất hiện, áp lực xuất hiện và ngàng càng đè nặng trên đôi vai hai vợ chồng anh khi công việc bị giảm dần rồi cắt hẳn.
Để có tiền đóng 3,5 triệu đồng mỗi tháng cho 2 khoản vay tiêu dùng, vợ chồng anh V. phải “cầu cứu” từ ba mẹ, rồi đến người thân ở quê. “May là chủ cho thuê nhà miễn tiền thuê mấy tháng qua, chứ không là còn “chết” nữa”, anh V. tâm sự. Vợ chồng anh định làm liều, vay thêm một khoản mới để trả khoản cũ. “May thay”, trong lúc đắn đo, thì đợt dịch thứ tư bùng phát nên thôi, bèn mang chiếc xe máy đi “gửi” ở tiệm cầm đồ để cầm cự tiếp.
Điều tương tự cũng xảy ra với anh H., đại dịch khiến anh mất việc, không có tiền để trả tiền vay, cùng đường, anh phải ngửa tay xin tiền mẹ để đóng. Sau đó, vì bị đòi nợ kiểu xã hội đen, anh bán chiếc iPhone 11 Pro Max được 15 triệu đồng để lấy tiền xoay sở. “Để cho đỡ quê, mình nói với mọi người là bị mất điện thoại rồi”, anh H. bày tỏ.
Bên cạnh áp lực trả nợ vì vay vô tội vạ, đây là những kiểu bị làm phiền phổ biến khi vay tiêu dùng tín chấp, sự phiền phức này "tìm đến" cả người thân, bạn bè của người vay. |
Chuyện người thoát ra vòng luẩn quẩn
Câu chuyện của anh H. và anh V. chỉ là một đóm nhỏ trong góc khuất này. Theo những người vay tiêu dùng kiểu như vậy, dù biết lãi suất cao nhưng vẫn vay vì dễ được vay.
Chị Th., (29 tuổi, ở Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết vay tiêu dùng kiểu này đa phần là vay tín chấp, chỉ cần có CMND/ CCCD, sổ hộ khẩu và cung cấp thêm số điện thoại của 3 người thân để cho công ty cho vay kiểm tra là được.
“Nhưng thông thường họ cũng không gọi kiểm tra gì, mà giải ngân luôn, giải ngân rất nhanh. Đối với những người đã có khoản vay trước đó và trả đúng hạn, thì các khoản vay tiếp theo càng dễ hơn. Đặc biệt, họ dùng chiêu bài mình là khách hàng thân thiết, có lịch sử trả nợ tốt và đưa ra chính sách khuyến mãi riêng cho mình để mời gọi vay tiếp”, chị Th. lí giải vì sao nhiều người vay tiêu dùng tín chấp.
Tạm bỏ qua các rắc rối pháp lí hay bị đòi nợ kiểu xã hội đen, bản thân từng hơn một lần vay kiểu vậy, chị Th. đã rút ra bài học cho mình: “Mình thấy số tiền trả mỗi tháng ít, nhưng cộng lại sẽ nhiều, bằng chứng là khi trả xong, số tiền phải thường gấp đôi số tiền vay.
Với những người thu nhập thấp, thì số tiền đấy gần như là tài sản tích cóp trong một, hai năm, nhưng vì lỡ vay, thì trả xong coi như sạch túi. Sau đó, tôi đã thoát ra vòng luẩn quẩn trên. Nếu thật sự cần thiết, thì mua đồ trả góp chứ không vay tiêu dùng”, chị Th. nói.
Đồng thời, chị Th. cũng đưa ra lời khuyên rằng không nên lạm dụng vay tiêu dùng, nhất là vay để giải quyết khâu… oai. Vì sau oai, là rất oải!