Qua hai ngày khảo sát các tuyến Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, ông Guy Mratini cho rằng, nhờ sự nỗ lực, sáng tạo của chính quyền các cấp tỉnh nên 84% các công việc trong việc xây dựng và bảo vệ Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đã sẵn sàng cho kỳ tái thẩm định của các chuyên gia.
Cụ thể, sau hai năm, Ban Quản lý Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đã xây dựng được các điểm check in với các bảng pano có đầy đủ thông tin giúp du khách hiểu rõ quá trình hình thành các điểm trong Công viên; xây dựng được các trung tâm thông tin đơn giản, hiệu quả, thể hiện giá trị cần truyền tải; xây dựng được các điểm để du khách có thể trải nghiệm các hoạt động của người dân trong vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng…
Ông Guy Mratini cũng lưu ý một số nội dung tỉnh Cao Bằng cần thực hiện đối với các điểm trong các tuyến Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Cụ thể, điểm Mắt thần núi (xã cao Chương, huyện Trùng Khánh) cần tìm được bãi đỗ xe mới để du khách dừng xe bên ngoài, xây hàng rào để bảo vệ di sản; cần tạo sinh kế cho người dân sinh sống gần khu vực điểm Mắt thần núi và mời các đối tác tham gia như việc thu phí vệ sinh, tạo các dịch vụ để người dân có điều kiện nâng cao thu nhập…
Cũng theo ông Guy Mratini, điểm làng làm hương Phia Thắp (huyện Quảng Hòa) cần gìn giữ kiến trúc làng nghề truyền thống đặc sắc này. Sau hai năm, chính quyền nơi đây đã xây dựng ba ngôi nhà, trong đó có một nhà văn hóa bằng gạch, lợp mái tôn, đã phá vỡ cảnh quan của làng nghề truyền thống. Tại đây, người dân làm hương có thu nhập thấp. Vì vậy, Cao Bằng cần xây dựng thương hiệu hương Phia Thắp, tạo bao bì đựng hương để khi du khách đến tham quan có thể mua sản phẩm về làm quà.
Tại điểm tham quan Cọn nước sông Quây Sơn (huyện Trùng Khánh), tỉnh cần có dịch vụ đảm bảo an toàn cho du khách khi trải nghiệm đi bè qua sông như cắm biển cảnh báo, trang bị áo phao...
Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO cũng gợi ý việc tạo sinh kế cho người dân bằng cách in logo, dán tem Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng trên các sản phẩm OCOP để quảng bá và thu hút du khách mua các sản phẩm đặc sản cũng như các sản phẩm OCOP của địa phương.
Hoan nghênh tỉnh đã xây dựng tuyến kết nối giữa Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng với Công viên Đá Đồng Văn (Hà Giang), ông Guy Mratini cho rằng điều này sẽ giúp phát huy hơn nữa giá Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và thu hút du khách đến trải nghiệm.
Theo ông Phạm Quang Vinh, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao), để phát huy giá trị của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, cần duy trì các lễ hội văn hóa đặc sắc và xây dựng các sản phẩm có thương hiệu.
Để làm được điều này, tỉnh cần có chiến lược phát triển du lịch trên cơ sở gắn bó chặt chẽ giữa du lịch công viên địa chất với du lịch văn hóa; tiếp tục giáo dục cho cộng đồng, thu hút các nguồn lực từ doanh nghiệp để bảo vệ, xây dựng phát triển Công viên, nâng cao năng lực của Ban Quản lý, tiếp tục quảng bá hình ảnh Cao Bằng đến với du khách trong nước và quốc tế…
Ông Lê Hải Hòa - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp thu các ý kiến để có giải pháp khắc phục những hạn chế nhằm xây dựng được thương hiệu Công viên, tạo thêm sinh kế, giúp người dân được hưởng lợi từ danh hiệu Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng các chế tài xử lý các công trình phá vỡ cảnh quan, làng nghề truyền thống; đẩy mạnh việc xây dựng hình ảnh thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề truyền thống độc đáo như hương Phia Thắp, dao Phúc Sen...; xây dựng các sản phẩm du lịch có sự khác biệt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là xây dựng các cơ sở lưu trú chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của du khách.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng khẳng định, tỉnh đã sẵn sàng cho việc tái thẩm định Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng vào cuối tháng 7/2022; chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để đăng cai Hội nghị Công viên địa chất châu Á - Thái Bình Dương năm 2024.