1. Tháng 1/2018, Jeffery Bailey Jr – một cậu bé 13 tuổi mắc chứng tự kỷ - đã thiệt mạng sau vụ hỏa hoạn ở một khu dân cư tại thành phố Martinsburg, tiểu bang Tây Virginia (Mỹ). Jeffery sống cùng cha mẹ trong căn nhà hai tầng. Cùng với 6 nạn nhân khác, Jeffery được đưa vào bệnh viện chữa trị, song không qua khỏi do hít phải quá nhiều khói độc từ vụ cháy. Nhân chứng Terry Reed – người sống cùng tầng với gia đình Jeffery - cho biết cô cùng mẹ và con trai 10 tuổi chỉ bị gãy chân khi cố nhảy từ ban công tầng hai xuống sân nhà để thoát khói lửa.
Trường hợp của Jeffery không may mắn như vậy. Ông Greg Hoover – người phụ trách Sở phòng cháy chữa cháy Martinburg – nói : “Mặc dù gia đình tìm mọi cách để Jeffery chạy khỏi đám cháy nhưng cậu bé không chịu nhúc nhích, di chuyển. Cuối cùng, lính cứu hỏa đưa được cậu ra khỏi nhà nhưng đã muộn”.
Tháng 7/2017, một ngôi nhà bốc cháy trong nông trang tại vùng Clearview thuộc tỉnh Ontario, Canada. Vào thời điểm hỏa hoạn, trong nhà có Dominic Denesiuk-Smith – một bé trai 7 tuổi mắc chứng tự kỷ; con gái 18 tuổi và con trai của chủ nông trại Dave Fleming; bạn gái của Dave Fleming là Samantha Lawrence – 37 tuổi. 4 thành viên trong nhà đều thoát nạn, riêng Dominic không thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”. Samantha Lawerence cho biết cha con Dominic dọn đến ở cùng Dave Fleming sau khi mẹ của Dominic qua đời vì tai nạn ở nông trang vào năm 2010.
Dave Paul – bạn của cha nạn nhân – cho biết khi đám cháy xảy ra, anh và cha Dominic đang ra ngoài vùng Clearview. Dave Paul thuật lại: “Con gái 18 tuổi của Dave Fleming gọi điện thông báo nhà cháy và nói không biết phải làm gì. Chúng tôi nói hãy gọi ngay cảnh sát và 911 (số điện thoại khẩn cấp ở Canada)”. Trong khi đó, Samantha Lawrence cho biết đã gọi 911 nhưng “không thể tiếp cận Dominic” để giải cứu cậu bé. Dominic sau đó được lực lượng cứu hỏa đưa ra khỏi tầng trệt song em đã tắt thở vì chịu nhiều thương tích bỏng.
Tháng 4/2011, “bà hỏa” thiêu rụi một căn nhà di động (mobile home) ở thành phố Bisbee, phía nam tiểu bang Arizona (Mỹ). Vào sáng sớm “ngày định mệnh”, Alex Swigart - cậu bé 12 tuổi mắc chứng tự kỷ - đã đánh thức cha mình dậy và thông báo có mùi khói trong phòng. Cả gia đình chạy thoát, riêng cậu bé thiệt mạng. Cha cậu đau xót cho biết, ông chạy ra ngoài tìm vòi phun nước và phát hiện Alex Swigart không ở cạnh mình nữa. Cậu bé tự kỷ dường như đã bị mất phương hướng, chạy ngược vào trong nhà. Cha Alex muốn xông vào tìm Alex nhưng một số nhân viên cứu hộ ngăn ông lại vì lửa bùng phát quá lớn. Cha Alex khóc : “Tôi nghe thấy con cầu cứu rằng nó ngạt thở”.
Sau khi đám chạy bị dập tắt, nhà chức trách Bisbee cho biết tìm thấy thi thể cậu bé nằm co ro dưới gầm giường trong phòng ngủ. Bên cạnh thi thể của Alex Swigart là một đồng tiền kỷ niệm thời quân ngũ của cha mà cậu thực sự yêu thích.
Những câu chuyện thương tâm kể trên cho thấy có một sự thật rằng người mắc chứng tự kỷ, nhất là trẻ em tự kỷ, đối mặt với nguy cơ mất an toàn tính mạng rất cao trong những tình huống khẩn cấp, đặc biệt là trong hỏa hoạn. Theo các chuyên gia y tế và tâm lý học, trẻ tự kỷ có một số biểu hiện như: thường chống đối những thay đổi của môi trường xung quanh, có khuynh hướng tránh tiếp xúc người khác, gắn bó bất thường vào một số đồ vật…
Bởi vậy trong một đám cháy, trẻ tự kỷ có thể thiệt mạng do chúng chỉ thích quay về nơi ưa thích mà không chịu chạy tới nơi an toàn khác, hoặc trốn tránh người cứu hộ do sợ mặt nạ của người cứu hộ. Một số trẻ tự kỷ thoát khỏi đám cháy, song vẫn thiệt mạng khi chạy ngược vào ngôi nhà cháy để tìm lại các đồ vật kỷ niệm nào đó. Công tác cứu hộ trẻ tự kỷ càng khó khăn hơn bởi nhiều trẻ tự kỷ nhìn bề ngoài không khác người bình thường.
Tại nhiều nước trên thế giới, nhiều cá nhân, tổ chức xã hội đang kêu gọi cộng đồng nâng cao nhận thức về những khó khăn và nguy cơ bị “bỏ lại sau lưng” của những người mắc chứng tự kỷ, nhất là trẻ em tự kỷ, trong các tình huống thiên tai, hỏa hoạn.
2. Courtney Mills – một nữ lính cứu hỏa 22 tuổi ở tỉnh Nova Scotia thuộc Canada – là người mắc hội chứng Asperger, một dạng tự kỷ chức năng cao. Trở thành tình nguyện viên chữa cháy từ năm 14 tuổi, Courtney nhận thấy rằng nhiều đồng nghiệp không hiểu tự kỷ là gì và cũng không được đào tạo để ứng cứu những người tự kỷ trong hỏa hoạn. Năm 2014, cô quyết định phối hợp với lực lượng phòng cháy chữa cháy địa phương mở các khóa học cứu hộ người tự kỷ và đi khắp tỉnh Nova Scoti để tuyên truyền cộng đồng nâng cao nhận thức về vấn đề này. Gần 2.000 nhân viên cứu hộ tại Nova Scotia đã tham dự các khóa học của Courtney Mills.
Theo Mạng lưới người tự kỷ Canucks ở Canada, so với người bình thường, lực lượng sơ cứu (first responder – gồm cảnh sát phòng cháy chữa cháy, nhân viên y tế, lực lượng cứu hộ…) có khả năng đối mặt với một người mắc chứng tự kỷ cao gấp 7 lần. Nhiều tổ chức về người tự kỷ như Cộng đồng người tự kỷ (Austism Society), Người tự kỷ Canada (Autism Canada), Tổ chức Tự kỷ lên tiếng (Autism Speaks) tại Mỹ…, cho rằng rất cần thiết để lực lượng sơ cứu, nhất là lính cứu hỏa, được huấn luyện một số phương pháp cơ bản nhận biết và kỹ năng giải cứu người tự kỷ, gồm trẻ tự kỷ, trong hỏa hoạn.
Thứ nhất, cách tốt nhất để nhận biết một người mắc chứng tự kỷ là quan sát hành vi của người này. Một số dấu hiệu của người tự kỷ là tránh né nhìn thẳng vào nhân viên cứu hộ, cười đùa, có hành vi rập khuôn (lắc lư người, vỗ tay…) hoặc nói nhại, khó khăn trong giao tiếp …Khi nhận ra có người tự kỷ trong đám cháy, người sơ cứu cần tiếp cận hiện trường nhưng không được dùng đèn sáng hoặc còi hú. Luôn nhớ rằng người tự kỷ, trong đó có trẻ em tự kỷ, có thể hoảng loạn hoặc lên cơn tai biến trước ánh sáng, tiếng động và sức nóng thay đổi đột ngột từ hiện trường đám cháy.
Thứ hai, các gia đình có trẻ tự kỷ thường chốt khóa cửa bên trong để giữ trẻ. Khi có hỏa hoạn, công tác cứu hộ sẽ gặp khó khăn. Lực lượng cứu hộ cần mang theo các công cụ thoát hiểm để mở cửa.
Thứ ba, lực lượng sơ cứu cần hỏi ngay phụ huynh hoặc người giữ trẻ tự kỷ một số câu hỏi như: “Trẻ tự kỷ có thể nói được hay không? Trẻ phản ứng thế nào trước tình huống căng thẳng? Cách nào giúp trẻ bình tĩnh?”. Câu trả lời sẽ giúp lực lượng sơ cứu có cách giải cứu trẻ nhanh và chính xác nhất.
Thứ tư, trẻ tự kỷ thường trốn kỹ khi cháy xảy ra. Bởi vậy, cần tìm ở cả những nơi kín ít ai ngờ tới như phòng kho, gầm giường, sau tủ... Trẻ tự kỷ thường phản ứng chậm hơn người thường vì không hiểu rõ ngôn ngữ hoặc sợ hãi. Do vậy, khi tìm thấy trẻ tự kỷ, người sơ cứu cần nói chậm rãi, hướng dẫn rõ ràng, ngắn gọn (những từ phổ biến như: ngồi xuống, đợi ở đây…) và không ra lệnh.
Thứ năm, một số người tự kỷ không có cảm xúc bình thường và có thể không có cảm giác nóng, lạnh. Ở nhiều người, bộ phận thông tin về cảm giác đau đớn trên não bộ không hoạt động nên nếu bị té, bị thương, họ không thể hiện sự đau đớn. Trái lại, người tự kỷ có thể phản ứng bất thường trước vết thương như cười, hát, cởi quần áo…Do vậy, người cứu hộ cần chú ý phát hiện thương tích của người tự kỷ. Khi đưa trẻ tự kỷ đến bệnh viện, cho phép người giữ trẻ đi cùng; liên lạc với bệnh viện trước khi đưa nạn nhân tới; yêu cầu phòng yên tĩnh cho nạn nhân tự kỷ. Hãy để bệnh viện biết nạn nhân là người tự kỷ. Nếu có thể, vặn tối thiểu ánh sáng và âm thành trong phòng điều trị. Thứ sáu, sau khi giải cứu, không để những người tự kỷ một mình bởi họ có thể chạy ra giữa đường bộ, lên đường ray tàu hỏa hoặc quay lại hiện trường đám cháy.
Một số chuyên gia về người tự kỷ, trong đó có Hiệp hội người tự kỷ tiểu bang Maine (Mỹ), cũng đã đưa ra một số gợi ý dưới đây cho các bậc làm cha mẹ để đảm bảo an toàn cho trẻ tự kỷ trước hỏa hoạn:
- Đảm bảo đặt thiết bị phát hiện khói và báo cháy trong hoặc gần phòng của trẻ tự kỷ, cũng như ở tất cả các tầng nhà. Thường xuyên kiểm tra để chắc chắn thiết bị này hoạt động bình thường.
- Dạy cho trẻ tự kỷ các kỹ năng an toàn cơ bản như: thuộc lòng câu “Ngừng, nằm và lăn” (Stop, drop and roll), nghĩa là khi có cháy phải dừng ngay mọi hoạt động, nằm xuống và lăn; chạm vào cửa trước khi mở; chạy tới một điểm tập hợp bên ngoài nhà…
- Bắt buộc phải phân công một thành viên trong gia đình có trách nhiệm dẫn dắt trẻ tự kỷ chạy khỏi nhà hoặc tới nơi an toàn trong trường hợp xảy ra cháy. Thành viên này phải luôn ở cạnh trẻ tự kỷ, phòng trường hợp trẻ chạy ngược vào nhà để tìm đồ vật ưa thích. Để trẻ tự kỷ một mình ra khỏi đám cháy là hết sức nguy hiểm bởi trẻ có thể tử vong vì ngạt khói hoặc rơi xuống nước chết đuối.
- Chủ động cung cấp thông tin nhiều nhất có thể cho lực lượng sơ cứu địa phương về tình trạng của trẻ tự kỷ trong gia đình. Thông báo trên các website của lực lượng này về vị trí phòng ở của trẻ tự kỷ, cũng như những địa điểm trẻ tự kỷ có thể ẩn nấp trong tình huống khẩn cấp. Công tác cứu hộ có thể thuận lợi hơn nếu lực lượng sơ cứu biết trước về các địa điểm này.
- Đưa trẻ tự kỷ thăm các Sở phòng cháy chữa cháy thường xuyên để trẻ làm quen với người lính cứu hỏa có đầy đủ mặt nạ, dụng cụ chữa cháy như vòi nước, rìu cứu hỏa…Hoạt động này sẽ giúp trẻ tự kỷ không hoảng sợ khi thấy lính cứu hỏa trong trường hợp hỏa hoạn thực sự xảy ra. Ngoài ra, cần để trẻ tự kỷ làm quen với các dụng cụ cấp cứu như: ống nghe, máy đo huyết áp, mặt nạ dưỡng khí, cáng cứu thương…
- Trường hợp trẻ tự kỷ không thể dùng ngôn ngữ để diễn đạt (non-verbal), các phụ huynh cần chuẩn bị một tấm thẻ formica có khả năng chịu nước, chịu lửa ghi thông tin cơ bản về trẻ (gồm nhóm máu hay bất cứ dị ứng nào đối với thuốc men…) phòng khi phải cấp cứu.