Thông tin trên được PGS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc sở Y tế Hà Nội cho biết tại buổi Giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 14/8.
Thông tin về tình hình dịch bệnh tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, PGS Hoàng Đức Hạnh cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận số bệnh nhân mắc sởi tăng cao so với cùng kỳ năm 2017, với gần 800 trường hợp mắc và đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong tại Hưng Yên.
Riêng tại Hà Nội, số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2017, với 315 trường hợp mắc sởi được ghi nhận (chiếm trên 39% của cả nước - PV), rất may chưa có ca tử vong.
Tuy nhiên, ông Hạnh cũng cho biết, bệnh nhân sởi phân bố rải rác tại 183 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Các trường hợp bệnh tản phát, không tập trung thành ổ dịch và rải rác từ đầu năm.
Khu vực có nhiều bệnh nhân sởi nhiều nhất là Hoàng Mai (31 trường hợp), Nam Từ Liêm (27), Bắc Từ Liêm (24), Đống Đa (23), Hà Đông (22). Hầu hết các trường hợp mắc sởi đã khỏi, hiện chỉ còn 28 trường hợp đang điều trị tại các cơ sở y tế.
Đáng chú ý, theo Phó Giám đốc Sở Y tế, đa số đối tượng mắc sởi là trẻ em chưa đến tuổi tiêm chủng vắc xin phòng sởi hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng sởi theo quy định.
Mặc dù khẳng định “dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát, các ca bệnh đều được phát hiện sớm và khoanh vùng xử lý kịp thời”, nhưng Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cảnh báo, theo nhận định của các chuyên gia, dự báo dịch sởi có thể tiếp tục gia tăng tại Hà Nội trong các tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019.
Lý do, ngoài việc dịch sởi tại Hà Nội nằm trong bối cảnh chung của tình hình dịch sởi trên thế giới và tại Việt Nam thì PGS Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh, năm 2018 – 2019 bắt đầu bước vào chu kỳ dịch sởi sau 4 năm (tại Hà Nội dịch bệnh sởi xuất hiện và bùng phát vào năm 2014).
Theo ông Hạnh, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc xin sởi tại Hà Nội luôn đạt so với tỷ lệ chung của cả nước (đạt 95-97%), nhưng hàng năm vẫn còn khoảng 3%-5% trẻ không được tiêm vắc xin sởi, là đối tượng dễ bị mắc sởi.
Bên cạnh đó hàng năm, số trẻ em, học sinh, sinh viên, người lao động tại các tỉnh, thành phố đến Hà Nội sinh sống, học tập, làm việc chưa được tiêm chủng đầy đủ sẽ tạo thành khối cảm thụ đủ lớn không có miễn dịch với bệnh sởi, tạo thuận lợi cho vi rút sởi lây lan và gây dịch.
Ngoài việc chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp phòng chống dịch thì theo Phó Giám đốc Sở Y tế, hiện Hà Nội cũng gặp một số khó khăn cho việc phòng chống dịch sởi, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc một số phụ huynh không cho con đi tiêm chủng đầy đủ vắc xin theo quy định.
Điều này dẫn đến hệ lụy là hàng năm sẽ tích lũy một số lượng trẻ em chưa được tiêm chủng không có miễn dịch chủ động phòng bệnh sởi và dễ bị mắc bệnh khi tiếp xúc với người bệnh. Đồng thời, theo quy định, vắc xin sởi tiêm cho trẻ từ đủ 9 tháng tuổi trở lên nên những trẻ này cũng là các đối tượng có nguy cơ bị mắc bệnh.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, trong thời gian tới, ngoài những biện pháp phòng dịch như thường niên thì Sở Y tế Hà Nội sẽ tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi – rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi sinh sống trên địa bàn thành phố Hà Nội trong năm 2018.
“Tùy theo diễn biến dịch bệnh, sở sẽ đề xuất mở rộng lứa tuổi tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi – rubella cho trẻ từ 6-10 tuổi toàn Thành phố trong năm 2019.” – ông Hạnh thông tin.
Ngoài ra, sở Y tế Hà Nội sẽ phối hợp với ngành Giáo dục đề nghị nhà trường tổ chức rà soát lịch sử tiêm chủng vắc xin sởi của trẻ khi nhập học vào mẫu giáo và lớp 1 trên toàn thành phố, đảm bảo trẻ 6 tuổi khi nhập học lớp 1 đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh sởi theo quy định của chương trình tiêm chủng quốc gia. Với các trường hợp chưa tiêm đủ thì khuyến cáo phải tiêm đủ trước khi nhập học.
Sốt xuất huyết giảm mạnh
Theo báo cáo của sở Y tế Hà Nội, bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2017 (giảm 98%) và chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Y tế, sốt xuất huyết là bệnh lưu hành thường xuyên tại Hà Nội, trung bình hàng năm ghi nhận khoảng 5.000 trường hợp, riêng năm 2017 có 37.000 trường hợp mắc.
Đồng thời, hiện nay các yếu tố nguy cơ để sốt xuất huyết phát sinh, phát triển thành dịch vẫn luôn tồn tại như tình trạng ô nhiễm môi trường với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng là nơi muỗi đẻ trứng, mật đô dân cư cao, nhiều khu vực nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện ăn, ở tạm bợ… là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.
Trong khi đó, theo nhận định, dịch bệnh này có thể gia tăng vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 11/2018.
Tiêm vắc xin rồi mà không nhớ, tiêm lại không sao
Trả lời câu hỏi của VnMedia về những trường hợp bố mẹ không nhớ đã tiêm cho con hay chưa, nay muốn tiêm cho yên tâm thì có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ hay không, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, nếu hai mũi tiêm cách nhau từ 1 tháng trở lên thì việc tiêm thêm sẽ không có ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Do vậy, nếu không chắc chắn là đã tiêm phòng, bố mẹ có thể cho con đi tiêm thêm 1 mũi. “Còn nếu trong thời gian 1 tháng thì chắc bố mẹ sẽ không quên” - ông Hạnh nói.