Người cao tuổi được quan tâm toàn diện
Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai, duy trì mô hình chăm sóc người cao tuổi sinh con một bề là gái nhằm nâng cao nhận thức của người dân, ổn định quy mô, cơ cấu, nâng cao chất lượng dân số và góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao trách nhiệm của các tổ chức và cộng đồng đối với người cao tuổi từ đó thay đổi quan niệm phải có con trai để phụng dưỡng lúc tuổi già của người dân.
Tại xã Lê Lợi (huyện Thường Tín, Hà Nội), từ năm 2019, xã đã được lựa chọn để tổ chức triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi sinh con một bề là gái.
Theo khảo sát, tại xã có 240 người cao tuổi sinh con một bề là gái. Đa phần người cao tuổi của xã Lê Lợi trước kia có nghề nghiệp là làm ruộng, hiện chủ yếu sống phụ thuộc vào con cái trong gia đình và những người cao tuổi ở đây có sức khỏe vẫn tham gia sản xuất nông nghiệp, ít người có lương hưu, chính sách. Khảo sát sức khoẻ của người cao tuổi tại đây cho thấy phần lớn họ có một số triệu chứng các bệnh mãn tính như: Cao huyết áp, mắt mờ, tay run…
Thực hiện mô hình trên, để giúp đỡ chăm sóc người cao tuổi tại địa phương, Ban Dân số xã đã tổ chức các cuộc tư vấn nói chuyện chuyên đề tại cụm dân cư với các nội dung đề cập đến vấn đề tự chăm sóc sức khỏe, các bệnh thường gặp ở người cao tuổi, chế độ dinh dưỡng, trao đổi các thắc mắc về sức khỏe, cung cấp và phổ cập đến người cao tuổi những kiến thức và thông tin hữu ích... giúp người cao tuổi có ý thức và trách nhiệm với sức khỏe của bản thân và gia đình.
UBND xã cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục dưỡng sinh, thể dục thể thao, phổ biên kiến thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... để cải thiện đời sống thể chất và tinh thần của người cao tuổi. Đồng thời trạm y tế, Hội người cao tuổi cũng tổ chức các buổi khám và cấp thuốc miễn phí cho người cao tuổi mắc bệnh, không có điều kiện đi khám chữa bệnh thường xuyên.
Cũng là địa bàn triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi sinh con một bề là gái, phường Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội) đã rà soát, lên danh sách 3.981 người cao tuổi, trong đó có 315 người sinh con một bề là gái.
Từ năm 2018 đến nay, phường luôn duy trì các hoạt động hỗ trợ, quan tâm đến người cao tuổi nói chung và người cao tuổi sinh con một bề là gái nói riêng. Cụ thể, phường đã tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề tại khu dân cư về vấn đề chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi với nội dung như: Nâng cao kiến thức tự chăm sóc sức khỏe, các bệnh thường gặp, chế độ dinh dưỡng phù hợp lứa tuổi; người cao tuổi được trao đổi và giải đáp thắc mắc về sức khỏe với các cán bộ y tế quận...
Qua các buổi truyền thông, người cao tuổi có thể tự ứng dụng các bài học vào đời sống hàng ngày, quan tâm hơn nữa tới sức khỏe của mình, phòng tránh và phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tật.
Đồng thời, phường cũng duy trì thường xuyên hoạt động tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ và khuyến khích người cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi có con một bề là gái tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao tại địa bàn nâng cao kiến thức tự chăm sóc sức khỏe, các bệnh thường gặp, chế độ dinh dưỡng phù hợp lứa tuổi; được trao đổi và giải đáp thắc mắc về sức khỏe với các cán bộ y tế quận...
Qua các buổi truyền thông, người cao tuổi có thể tự ứng dụng các bài học vào đời sống hàng ngày, quan tâm hơn nữa tới sức khỏe của mình, phòng tránh và phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tật. Đến nay phường đã hỗ trợ 8 khu dân cư hoạt động biểu diễn văn nghệ, tập thể dục dưỡng sinh rèn luyện sức khỏe người cao tuổi.
Theo Ban dân số phường Phúc Xá, kết quả sơ bộ cho thấy, mô hình này đã mang lại hiệu quả và thu hút sự tham gia khá đông người cao tuổi. Các hoạt động đã triển khai không chỉ là cung cấp kiến thức, tư vấn, thăm khám bệnh tật, mà còn là sân chơi, nơi giao lưu, thể hiện bản thân của người cao tuổi. Mô hình đã hỗ trợ chăm sóc về cả thể chất lẫn tinh thần người cao tuổi, cho họ thấy được tầm quan trọng của bản thân đối với gia đình và xã hội, giúp người cao tuổi không còn thấy cô đơn, tự ti.
Đánh giá về các hoạt động triển khai và duy trì mô hình chăm sóc người cao tuổi sinh con một bề là gái, ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho biết: “Những năm qua, mô hình đã đem lại cho người cao tuổi một niềm tin, sự phấn khởi, một không khí vui vẻ thoải mái khi tham gia các hoạt động. Từ việc người cao tuổi chưa có kiến thức về sức khỏe, nay họ đã được trang bị các kiến thức để biết cách phòng tránh bệnh và phát hiện sớm một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi, biết cách ăn uống, dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý”.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2020, Hà Nội đã triển khai, duy trì 80 mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng ở 80 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã. Đáng chú ý, có tới 23/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã triển khai mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng, mô hình chăm sóc người cao tuổi sinh con một bề là gái.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Với những chính sách hỗ trợ, người cao tuổi ngày càng được quan tâm, chăm sóc tốt hơn, nhất là những người cao tuổi ít có điều kiện, người cao tuổi sinh con một bề là gái khi vẫn còn quan niệm sống dựa vào con trai.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trước tình trạng già hoá dân số nhanh như hiện nay, dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Theo Chi cục Dân số Hà Nội, riêng về mô hình người cao tuổi sinh con một bề là gái, việc triển khai vẫn còn nhiều khó khăn do số lượng người cao tuổi sinh con một bề gái không nhiều, địa bàn dân cư phức tạp nên khó thực hiện triệt để, thậm chí có những người cao tuổi không tham gia, từ chối những ưu đãi dành cho người cao tuổi sinh con một bề gái.
Ở nhiều địa bàn nông thôn, người cao tuổi có điều kiện kinh tế hạn chế ngại tham gia các hoạt động, một số cụ vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ, muốn có cháu trai để nối dõi tông đường. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí dành cho các hoạt động hỗ trợ này vẫn còn hạn chế khiến hiệu quả của mô hình vẫn chưa cao.
Các chuyên gia cũng cho rằng, hiện khó khăn lớn nhất là do nguồn kinh phí không đủ để ngành y tế triển khai chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi. Gia đình và xã hội phải quan tâm, chăm sóc nhiều hơn cả về vật chất, tinh thần và sức khỏe với những người có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi ở nông thôn. Các cấp hội người cao tuổi cần tăng cường giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách, vận động và động viên các tổ chức xã hội quan tâm chăm sóc người cao tuổi tốt hơn.
Theo ông Tạ Quang Huy, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng mô hình chăm sóc người cao tuổi sinh con một bề là gái đã cho thấy đây là một mô hình có hiệu quả, có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, góp phần không nhỏ trong việc thay đổi quan niệm phải có con trai để phụng dưỡng lúc tuổi già của người dân. Do đó, các địa phương cần tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình này.
Đồng thời, để thực hiện hiệu quả, các địa phương cần thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao năng lực cung cấp các kiến thức cho đội ngũ báo cáo viên hoạt động mô hình, cần huy động nhân lực tại chỗ để đáp ứng các hoạt động.
Hà Nội chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi sinh con một bề là gái
Hà Nội đang thí điểm triển khai mô hình chăm sóc người cao tuổi sinh con một bề gái với nhiều hoạt động như: Chăm sóc sức khoẻ, tư vấn, nói chuyện, tăng cường sinh hoạt văn hoá, văn nghệ... đã giúp nâng cao vị thế người cao tuổi có con một bề là gái, thay đổi quan niệm giới tính khi người già được cộng đồng quan tâm, chăm sóc.
Khám sức khoẻ cho người cao tuổi tại trạm y tế xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội. |
Theo Báo Tin tức
TIN LIÊN QUAN