Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho đến nay, đã có 17 xã, phường thuộc 10 quận, huyện dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh gồm: Phường Gia Thụy (quận Long Biên), phường Tứ Liên (quận Tây Hồ), phường Thanh Trì và Định Công (quận Hoàng Mai), phường La Khê và Phúc La (quận Hà Đông), phường Cổ Nhuế 2, Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm), phường Xuân Phương, Phương Canh (quận Nam Từ Liêm), xã Kim Lan, Ninh Hiệp, thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm), xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì), xã Kim An (huyện Thanh Oai), xã Dị Nậu (huyện Thạch Thất), thị trấn Phú Minh (huyện Phú Xuyên).
Đây là kết quả rất đáng mừng, tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cảnh báo, bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Thành phố vẫn có diễn biến phức tạp, chiều hướng lây lan nhanh, ở phạm vi rộng, ở các quy mô chăn nuôi lớn hơn và có điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học tốt hơn.
Do vậy, các cấp, các ngành Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống theo đúng Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi và chỉ đạo của trung ương, thành phố.
Thành phố Hà Nội là địa bàn có tổng đàn lợn lớn đứng thứ 2 cả nước với 1,87 triệu con, tuy nhiên chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng trong dân còn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 60%). Địa giới hành chính giáp với nhiều tỉnh, địa bàn rộng, có nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm cả về đường không, đường bộ, đường thủy nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm rất lớn.
Đồng thời, đây cũng là thủ đô với số dân sống và làm việc tại Hà Nội khoảng trên 10 triệu dân, nhu cầu sử dụng thực phẩm có nguồn gốc động vật của người dân thủ đô cao (khoảng 800 – 900 tấn/ngày) trong khi thành phố mới tự cung cấp được 60%, số còn lại phải nhập từ ngoại tỉnh hoặc nhập khẩu.
Cộng với việc người, phương tiện vận chuyển ra, vào trại chưa áp dụng đầy đủ quy trình vệ sinh phòng bệnh và an toàn sinh học. Ngoài ra, dịch bệnh lây lan nhanh, ở phạm vi rộng là do đường lây truyền của vi rút dịch tả lợn châu Phi rất phức tạp, nhất là trong điều kiện mật độ chăn nuôi cao, nhỏ lẻ, vệ sinh thú y và an toàn sinh học không tốt...
Qua đó, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, bệnh bịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh. Trong khi nhiều năm qua, bệnh bịch tả lợn châu Phi đã lây lan rất nhanh, diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới.
Theo đó, song song với chỉ đạo của các ban ngành thì quan trọng vẫn là ý thức của chính người chăn nuôi, người dân với công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi để hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát trở lại của dịch bệnh nguy hiểm này.