Sở Tài chính Hà Nội vừa gửi tờ trình phương án dự kiến sẽ tăng giá nước sinh hoạt tại Hà Nội từ ngày 1/7/2023. Tuy nhiên, theo UBND TP Hà Nội, phương án điều chỉnh giá nước mới cơ bản không tác động nhiều đến đời sống và thu nhập của người dân.
Cụ thể, đối với hộ gia đình, theo nhu cầu tiêu dùng nước thực tế tại Hà Nội ở khu vực nội thành (10 - 16 m3/hộ/tháng) thì số tiền phải chi thêm 15.000 - 26.000 đồng/tháng; ở khu vực nông thôn (6 - 8 m3/hộ/tháng) thì số tiền phải chi thêm 10.000 - 13.000 đồng/tháng.
Việc tăng giá xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết thực tế, phù hợp với chủ trương của nhà nước về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước và tiêu thụ nước sạch và chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất kinh doanh nước sạch.
Với hộ dân thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, mức giá nước sạch áp dụng tại mức sử dụng nước sạch ở 10m3 đầu tiên sẽ giữ nguyên, không tăng giá.
Với người dân tại khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, khu vực bị ảnh hưởng môi trường có khó khăn được tiếp cận nước sạch như khu vực người dân tại vùng ảnh hưởng môi trường khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn và người dân khu vực bị ảnh hưởng bãi rác Xuân Sơn, UBND TP Hà Nội cho biết sẽ có cơ chế hỗ trợ để đảm bảo sức khỏe và sinh hoạt của người dân tại các địa điểm trên.
Chính quyền thành phố Hà Nội tính toán, tiền nước trong tổng thu nhập và chi tiêu của một hộ gia đình tại khu vực thành thị trong một tháng chiếm 0,72% dựa trên kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố: Số nhân khẩu bình quân một hộ khu vực thành thị là 3,5 người, khu vực nông thôn là 3,7 người. Mức thu nhập bình quân của người lao động 9 tháng năm 2022 là 6,6 triệu đồng/người, một gia đình là 22,4 triệu đồng/hộ).
Đáng chú ý, có 4 vấn đề đặt ra khi giá nước sạch sinh hoạt không được điều chỉnh sau 10 năm, đó là không đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch; Không đủ điều kiện nâng cao chất lượng nước sạch; Không thu hút được các nhà đầu tư; Không khuyến khích sử dụng nước sạch tiết kiệm.
Cụ thể, Hà Nội nêu thực trạng với các nhà máy nước ngầm (được xây dựng từ lâu, đã hết hoặc gần hết khấu hao) hiện đang phải giảm dần sản lượng theo quy hoạch; các nhà máy nước đang vận hành hiện do được đầu tư theo công nghệ mới, chi phí khấu hao, chi phí tài chính còn cao nên với giá nước không được điều chỉnh thì nhà đầu tư gặp khó khăn trong thanh toán các chi phí khai thác, vận hành; cũng như khó khăn khi đàm phán huy động vốn để mở rộng, nâng công suất.
Cùng với đó, với giá nước như hiện nay, Hà Nội lo ngại sẽ không đủ điều kiện nâng cao chất lượng nước sạch bởi hiện Bộ Y tế yêu cầu chất lượng nước sạch phải quy chuẩn QCVN01-1:2018/BYT.
Ngoài ra, với giá nước chưa được điều chỉnh thì các đơn vị cấp nước không đủ nguồn lực để tái đầu tư, kiểm soát để nâng cao chất lượng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế.
Mặt khác, giá nước chậm điều chỉnh là hạn chế đối với việc xã hội hóa thu hút các nguồn vốn từ các nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực cấp nước. Hiện TP Hà Nội đã kêu gọi thu hút được 23 nhà đầu tư tư nhân, triển khai 39 dự án cấp nước gồm cả dự án nguồn nước và mạng lưới.
Trong đó có doanh nghiệp không thực hiện dự án, phần lớn các dự án còn lại đều chậm tiến độ hoàn thành. Các doanh nghiệp mới triển khai dự án trong giai đoạn này đang chịu nhiều áp lực chi phí vốn, với giá nước hiện hành chỉ đáp ứng được chi phí thiết yếu tối thiểu để vận hành nhà máy, chưa thu hồi được vốn đầu tư, chưa có lợi nhuận.
Cũng theo UBND TP Hà Nội, nếu giá nước không điều chỉnh kịp thời thì các doanh nghiệp này sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản, do không có nguồn lực tài chính để vận hành nhà máy, dẫn đến không đảm bảo an ninh cấp nước cho thành phố.
Hiện giá nước sạch sinh hoạt ở Hà Nội áp dụng theo Quyết định 38 ngày 19/9/2013. Theo đó, đơn giá 10 m3 đầu tiên là 5.973 đồng/m3 và giá cao nhất là 15.929 đồng/m3 khi dùng trên 30 m3 (áp dụng từ 1/10/2015)./.