Hà Nội hướng tới kỷ niệm 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Hà Nội đang trong những ngày Thu tháng 10 lịch sử, gợi nhớ ngày cách đây 68 năm, lớp lớp đoàn quân tiến vào Thủ đô từ 5 cửa ô, hân hoan đi giữa phố phường rợp cờ hoa, rộn rã tiếng cười để tiếp quản Hà Nội. Dù hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng cứ vào thời khắc này, những người Hà Nội thế hệ cũ lại bâng khuâng nhớ về giờ phút thiêng liêng đó, với những cảm xúc khó tả.
Đoàn quân chiến thắng tiến vào tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954. Ảnh: ictvietnam.vn
Đoàn quân chiến thắng tiến vào tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954. Ảnh: ictvietnam.vn

Trang sử hào hùng

Trong những ngày tháng năm lịch sử này, cả hệ thống chính trị và toàn dân nói chung, tại Hà Nội nói riêng đang nỗ lực phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19, chúng ta lại nhớ về mốc son chói lọi 10/10/1954, ngày đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam.

Đúng 8 giờ ngày 10/10/1954, các đơn vị Quân đội từ 5 cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô trong niềm hân hoan của hàng vạn người dân. Tới 15 giờ, tại Sân vận động Cột Cờ (đường Điện Biên Phủ, Trần Phú, Chu Văn An, Lê Hồng Phong ngày nay), Chủ tịch Uỷ ban Quân chính Hà Nội, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.

Trong "Lời kêu gọi nhân ngày thủ đô giải phóng", Bác Hồ viết: "Tám nǎm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể!".

Trong không khí tràn ngập niềm vui, Bác cũng nhấn mạnh tới những nhiệm vụ cơ bản mà chính quyền và nhân dân Thủ đô phải thực hiện sau ngày giải phóng. Người kêu gọi nhân dân cùng Chính phủ ra sức giữ gìn trật tự an ninh, duy trì và khôi phục mọi hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh tế, tài chính của Thủ đô; Đoàn kết chặt chẽ; Thực hiện tự do dân chủ, xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khǎn. Nhưng Bác cũng khẳng định: "Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khǎn và đạt được mục đích chung…".

Thấm nhuần tình cảm và ghi nhớ những lời chỉ bảo, căn dặn của Người, 68 năm sau ngày giải phóng, với sự phấn đấu không ngừng của Đảng bộ và nhân dân thành phố, vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao.

Phát triển để xứng tầm "trái tim của cả nước"

Hà Nội hướng tới kỷ niệm 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô ảnh 1

Ảnh minh hoạ.

Kể từ mùa Thu của 68 năm trước cho đến nay, Hà Nội vẫn nỗ lực không ngừng trong xây dựng và phát triển Thủ đô, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, đưa thành phố hội nhập sâu rộng với thế giới. Truyền thống của mảnh đất ngàn năm văn hiến, tinh thần quả cảm được hun đúc qua hai cuộc kháng chiến, khát vọng vươn lên, là nền tảng vững chắc góp phần tạo ra thế và lực để Hà Nội có bước chuyển mình mạnh mẽ như ngày hôm nay.

Thời gian qua, Hà Nội trải qua nhiều giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 cam go, đan xen nhiều khó khăn, thách thức, phát sinh nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ. Trước tình hình đó, cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp từ thành phố đến cơ sở đã vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt. Cùng với sự đồng thuận và chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, toàn thành phố đã nỗ lực, quyết tâm chiến đấu, chiến thắng dịch bệnh bằng nhiều giải pháp kiên trì, đúng hướng với nguyên tắc "khó khăn gấp hai thì phải nỗ lực, cố gắng gấp ba", quyết tâm thực hiện "mục tiêu, nhiệm vụ kép". Một mặt thành phố quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, mặt khác tập trung, nỗ lực thực hiện các biện pháp phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân.

Việc Thành ủy Hà Nội ban hành 10 Chương trình công tác toàn khóa XVII đã thể hiện tinh thần quyết tâm của Đảng bộ thành phố trong việc khẩn trương cụ thể hóa, sớm triển khai đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống.

Theo đánh giá của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, các chương trình đều xuất phát từ nhu cầu cấp bách trước mắt và tư duy, tầm nhìn chiến lược vì sự phát triển của thành phố. Việc có thêm Chương trình 03-CTr/TU về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025" sẽ giúp Hà Nội phát triển toàn diện hơn hoặc với Chương trình số 08-CTr/TU về "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025" mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cụ thể hóa tinh thần đặt người dân vào vị trí trung tâm của mọi chủ trương, đường lối.

Song song với đó, Thành phố Hà Nội luôn xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm hàng đầu để tập trung chỉ đạo điều hành. Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho biết, thành phố vẫn đang tiếp tục chú trọng đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 để đảm bảo hiệu quả chống dịch cao nhất.

Bên cạnh vấn đề kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, Hà Nội cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt, khẩn trương, có hiệu quả hơn nữa các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, huy động tốt nguồn vốn tư nhân cho đầu tư phát triển; Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề, làng nghề truyền thống.

Hà Nội cần phải cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố; Thực hiện đồng bộ các hoạt động hỗ trợ sản xuất kinh doanh như chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực; Tổ chức tuyên truyền và thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội năm 2022. Tất cả hướng tới mục tiêu chung nhằm phát triển thủ đô nhanh và bền vững.

Bộ sách Lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh: baochinhphu.vn
Xuất bản bộ sách 14 tập về lịch sử quân sự Việt Nam
(Ngày Nay) - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa tổ chức xuất bản lần thứ ba bộ sách Lịch sử quân sự Việt Nam của Viện Lịch sử quân sự nhằm tiếp tục truyền bá tri thức lịch sử quân sự dân tộc tới các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế. Đây là một trong những hoạt động hướng tới các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2024.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp chiều 5/11/2024. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Chống lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công
(Ngày Nay) - Các đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thu - chi ngân sách nhà nước, cơ cấu ngân sách theo hướng bền vững, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lãng phí.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.