Theo thông tin đăng tải trên TTXVN, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thường trực Thành uỷ Hà Nội đã yêu cầu huỷ bắn pháo hoa tại 30 điểm trên địa bàn Thủ đô vào đêm giao thừa. Bên cạnh đó, Thành uỷ Hà Nội sẽ nghiên cứu phương án bắn pháo hoa tầm cao tại một điểm duy nhất. Địa điểm đó phải đáp ứng yêu cầu không tập trung đông người để hạn chế lây lan dịch COVID-19.
Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND thành phố nghiên cứu, xem xét mức độ và quyết định sự cần thiết của việc cho phép tổ chức các hoạt động, sự kiện cần thiết, các hoạt động phục vụ nhân dân vui Tết, đón Xuân... trên nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch là ưu tiên hàng đầu.
Liên quan đến nhu cầu nhu yếu phẩm phục vụ Tết cho nhân dân, lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị phải tính toán kỹ nhiều phương án, kể cả trong trường hợp sinh viên, người lao động lưu trú tại Hà Nội dịp Tết do điều kiện dịch; tăng cường các hoạt động thương mại trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo lưu thông hàng hóa trên nguyên tắc an toàn; tăng cường cung ứng khẩu trang, các vật tư, thiết bị phòng, chống dịch, không để tình trạng “thiếu hàng, sốt giá” và hành vi trục lợi...
Như Vnexpress đã đưa tin, trước đó, Hà Nội quyết định bắn pháo hoa tại 30 quận, huyện với 6 điểm tầm cao và 24 điểm tầm thấp. Trong đó, 6 điểm bắn pháo hoa tầm cao gồm: Khu vực hồ Gươm; vườn hoa Lạc Long Quân (quận Tây Hồ); sân vận động Mỹ Đình (Nam Từ Liêm); công viên Thống Nhất (Hai Bà Trưng); hồ Văn Quán (Hà Đông); thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây); 24 điểm bắn pháo hoa giao thừa tầm thấp tại các quận, huyện còn lại.
Ngày 28/1, Hà Nội ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên sau 163 ngày không có lây nhiễm cộng đồng. Đến sáng 3/2, thành phố ghi nhận 21 ca đều liên quan đến các ổ dịch ở Quảng Ninh và Hải Dương, 10 khu vực đang được phong tỏa.
Thành phố quyết định cho toàn bộ học sinh nghỉ học từ 1/2; các dịch vụ karaoke, quán bar, quán game, Internet bị yêu cầu dừng hoạt động.