Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) xác nhận nam bệnh nhân 30 tuổi mắc viêm não mô cầu, 27 người tiếp xúc gần với người bệnh được cách ly tại nhà.
Ngày 27/2 bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau đầu, nôn và buồn nôn; 2 ngày sau lơ mơ, hôn mê. Gia đình đưa anh vào Bệnh viện Đa khoa Đông Anh khám chẩn đoán viêm màng não nên được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Trả lời trên VN Express, Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, bệnh nhân mắc não mô cầu nguy hiểm là nữ, 30 tuổi (Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), hiện bệnh nhân tỉnh, không xuất hiện các ban điển hình của viêm màng não mủ nhưng kết quả cấy dịch não tủy khẳng định người bệnh mắc não mô cầu.
Ngay khi có kết quả xét nghiệm, bệnh nhân được điều trị cách ly, phòng nguy cơ lây cho người khác. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng thông báo cho Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội để các đơn vị khoanh vùng, giám sát người tiếp xúc gần với bệnh nhân, dùng thuốc dự phòng bệnh. Hiện 27 người tiếp xúc gần với bệnh nhân đã được cách ly tại nhà để theo dõi.
Bác sỹ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân viêm não mô cầu hồi năm 2012. Ảnh: TTXVN
Như vậy, đây là ca bệnh đầu tiên mắc não mô cầu trong năm mà bệnh viện tiếp nhận và cũng là ca đầu tiên ghi nhận tại Hà Nội.
Bác sỹ Cấp cho biết, dù số ca gặp không nhiều, nhưng do não mô cầu là một căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, có thể dẫn tới tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng. Bệnh viêm não mô cầu có thể lây lan qua đường hô hấp.
Đặc biệt với thể nhiễm khuẩn huyết viêm màng não mủ có thể gây diễn biến tối cấp, làm bệnh nhân tử vong ngay trong 24 giờ khởi bệnh khiến bác sĩ đôi khi chưa kịp chẩn đoán, chưa kịp điều trị thì bệnh nhân đã tử vong.
Theo bác sỹ Cấp, vi khuẩn gây não mô cầu cư trú tại vùng hầu họng người bệnh. Khi tiếp xúc, nói chuyện vi khuẩn có thể theo các giọt nước bọt bắn ra ngoài lây truyền cho người xung quanh. Vì thế, hầu hết người tiếp xúc gần bệnh nhân đều phải uống thuốc dự phòng.
Các bác sỹ khuyến cáo người dân có thể ngăn ngừa chủ động căn bệnh này bằng vắcxin.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung Tâm Y tế Dự phòng (Hà Nội) cho biết, trung bình một năm thành phố ghi nhận 5-7 ca viêm não mô cầu. Số ca bệnh ít song tỷ lệ tử vong cao. Ngay khi được thông báo có ca bệnh, Trung tâm đã lên kế hoạch cách ly, xử lý ổ dịch để tránh lây lan.
Trước đó Hải Dương cũng ghi nhận một nữ sinh lớp 12 tử vong do viêm não mô cầu, 50 người tiếp xúc gần với bệnh nhân được cách ly theo dõi. Ông Bùi Huy Nhanh, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hải Dương cho biết, sau 10 ngày theo dõi hiện những người này sức khỏe bình thường, không cần tiếp tục cách ly, không có ca bệnh mới.
Bệnh viêm não, màng não do não mô cầu là truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây nên. Vi khuẩn gồm có 4 nhóm chính: A, B, C và D. Viêm não mô cầu nhóm A và B thường hay gặp nhất. Nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang vi khuẩn. Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Mọi người đều có thể nhiễm vi khuẩn não mô cầu, nhóm nguy cơ mắc bệnh cao nhất là lứa tuổi trẻ. Bệnh xuất hiện đột ngột với triệu chứng sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, có thể có đau họng, chấm hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước. Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau: - Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. - Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. - Chủ động tiêm văcxin phòng bệnh cho trẻ, văcxin được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. - Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. |
Nha Trang