Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội trong 6 năm trở lại đây cho thấy sự gia tăng đột biến của số ca mắc sởi trong năm 2018 so với 3 năm trước.
Cụ thể, năm 2015 có 39 ca; năm 2016 có 3 ca; năm 2017 lên 85 ca. Đến năm 2018 có 398 ca.
TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, nhìn vào bảng số liệu này cho thấy rõ những diễn biến bất thường của dịch sởi năm nay. Nếu như các năm trước, số ca bệnh xuất hiện chủ yếu trong mùa Xuân thì năm 2018 lại xuất hiện nhiều ở mùa Hè và mùa Thu. Số ca mắc sởi trong 3 tháng tháng 6, 7, 8 qua các năm như sau: Năm 2013 không có ca mắc thời điểm này; năm 2014 là năm dịch sởi bùng phát mạnh mẽ nhất tìh có 14 ca; năm 2015 có 5 ca; năm 2016 có 1 ca; năm 2017 có 9 ca và năm 2018 có tới 205 ca mắc vào dịp Hè-Thu.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, dịch sởi bùng phát theo chu kỳ 4-5 năm 1 lần. Nếu như năm 2014, dịch gây hậu quả nặng nề thì năm nay, dịch đã quay lại. Với điều kiện thời tiết mùa Hè với mưa kéo dài suốt gần 2 tháng, là điều kiện để dịch lây lan.
Các chuyên gia cảnh báo, số ca mắc sởi năm nay xảy ra nhiều trong các bệnh viện, nghĩa là bệnh nhi lây nhiễm chéo. Điều này đang cảnh báo hoạt động cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn trong các bệnh viện.
Đồng thời, để phòng bệnh sởi cho trẻ cách tốt nhất là đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo lịch. Cha mẹ chủ động đưa trẻ từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vaccine sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vaccine phòng sởi.
Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.