Tăng cả 3 vùng
Theo tờ trình về việc Quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của TP Hà Nội vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua chiều nay, từ năm học 2017-2018, mức học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập sẽ tăng.
Cụ thể, vùng thành thị, mức thu học phí năm học 2017-2018 là 110.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 30.000 đồng so với năm học trước); ở vùng nông thôn, mức thu là 55.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 15.000 đồng so với năm học trước) và ở vùng miền núi, mức thu là 14.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 4.000 đồng so với năm học trước).
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, việc tăng học phí không làm ảnh hưởng đến học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh diện chính sách vì các đối tượng này đã được hưởng chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của Trung ương.
Theo mức thu mới, tổng số thu học phí dự kiến đạt trên 635 tỷ đồng, tăng 178 tỷ đồng so với năm học trước.
Một phần số tăng thu học phí (chênh lệch giữa mức thu học phí năm học 2017-2018 với mức thu học phí năm học 2016-2017) sẽ được sử dụng để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, phần còn lại dùng để hỗ trợ chi sự nghiệp giáo dục hàng năm.
Bội chi ngân sách 3.700 tỷ đồng
Mức bội chi ngân sách cho đầu tư phát triển của TP Hà Nội được HĐND thống nhất duyệt năm 2017 là 3.700 tỷ đồng, bằng với mức bội chi mà Thủ tướng giao cho Hà Nội.
Với tỷ lệ tán thành đạt 89,42%, chiều cùng ngày HĐND đã thông qua nghị quyết về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, dự toán thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm.
Theo giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải, tổng thu ngân sách của thành phố 6 tháng đầu năm 2017 đạt 102.490 tỷ đồng, đạt 50,1% dự toán, tăng 18% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm ước thực hiện 26.883 tỷ đồng (đạt 34,4% dự toán năm).
Theo ông Hải, một số khoản thu còn đạt thấp so với dự toán, nợ đọng ngân sách còn lớn, do một số doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản gặp khó khăn về tài chính trong việc thanh toán các khoản nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, nhất là đối với khoản tiền phạt chậm nộp.
Ngoài ra, công tác phân bổ dự toán của một số quận, huyện chưa bảo đảm các quy định; việc giải ngân vốn đầu tư chậm do một số dự án thay đổi, chuyển chủ đầu tư hoặc vướng mắc về giải phóng mặt bằng...
Giảm mua sắm công
Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho biếtthành phố là đơn vị đầu tiên của cả nước thực hiện mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung với 6 gói thầu mua sắm tài sản có giá trị trúng thầu là 359,6 tỷ đồng, giảm so với đăng ký nhu cầu của các cơ quan, đơn vị là 22,9 tỷ đồng; 24 gói thầu công ích dịch vụ vệ sinh môi trường giai đoạn 2017-2020 có giá trúng thầu 3.815 tỷ đồng, giảm so với đăng ký nhu cầu của các cơ quan, đơn vị là 169,8 tỷ đồng.
Hà Nội cũng đã triển khai thí điểm khoán kinh phí sử dụng ôtô phục vụ công tác chung tại 8 cơ quan, đơn vị từ tháng 3/2017.
Theo Tuổi Trẻ