Lúc 10 giờ, trên ứng dụng VN Air của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ghi nhận, có 5 điểm có chất lượng không khí ở mức xấu, trong đó 3 điểm tại Bắc Ninh là trụ sở UBND các huyện Quế Võ, Yên Phong, xã Phù Lãng (huyện Quế Võ); 2 điểm tại Hà Nội là trụ sở Chi cục Bảo vệ Môi trường và số nhà 556, đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên).
Ứng dụng AirVisual ghi nhận rất nhiều điểm màu đỏ (những người có sức khỏe bình thường bắt đầu bị ảnh hưởng, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn) ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên.
Trong đó, có 4 điểm ở mức tím (rất có hại cho sức khỏe) gồm 3 điểm thuộc Hà Nội là các khu Mỹ Đình (Bắc Từ Liêm), Thành Công (Ba Đình), trụ sở Công an phường Hàng Mã (Hoàn Kiếm) và một điểm ở Hưng Yên là Trường British University Vietnam (huyện Văn Giang).
Theo thang bảng đo chỉ số chất lượng không khí (AQI) của ứng dụng AirVisual, trong số 92 thành phố của nhiều quốc gia trên thế giới được quan trắc thì Hà Nội đứng thứ ba với chỉ số AQI ở mức đỏ (172, tức chất lượng không khí ở mức xấu).
Ứng dụng PAM Air cũng ghi nhận 7 điểm chất lượng không khí có màu tím, trong đó có 6 điểm ở Hà Nội là trụ sở PAM Farm ở Vân Côn (huyện Hoài Đức), Trường Trung học Cơ sở Yên Sở (huyện Hoài Đức), khu vực Ngã Tư Sở (quận Thanh Xuân), Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm), trụ sở Hệ thống liên cấp Lômônôxốp (quận Hà Đông), Trường Trung học Cơ sở Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm) và một điểm ở Bắc Ninh là Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh (huyện Từ Sơn).
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình chất lượng không để biết được mức độ ảnh hưởng và có các biện pháp bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
Đặc biệt, ở khu vực phía Bắc đang là thời điểm thu hoạch lúa, nông dân tại các khu vực ngoại thành tuyệt đối không được đốt rơm rạ khiến tình trạng ô nhiễm không khí thêm trầm trọng.