Hai ca COVID-19 nặng nhất miền Bắc đã khỏi bệnh

(Ngày Nay) - Trưa 22/9, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương công bố khỏi bệnh cho 5 ca COVID-19, trong đó có 2 trường hợp từng là bệnh nhân nặng nhất miền Bắc, phải can thiệp ECMO, thở máy.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đó là bệnh nhân 793 (nam, 58 tuổi, ở Bắc Giang), là bệnh nhân COVID-19 nặng nhất miền Bắc trong giai đoạn mới. Người đàn ông được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực ngày 14/8 với tình trạng nặng. Ông có bệnh nền tăng huyết áp, lại bội nhiễm thêm căn nguyên của các loại vi khuẩn khác ngoài SARS-CoV- 2 khiến bệnh nhanh diễn biến xấu.

Sáng 24/8, bệnh nhân phải chuyển từ thở máy không xâm nhập sang thở máy xâm nhập qua ống nội khí quản. Tổn thương phổi của bệnh nhân được đánh giá rất nặng và phức tạp, thậm chí có thời điểm chức năng phổi tổn thương tới 90%.

Ngày 26/8, bệnh nhân tiếp tục được chỉ định chạy ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo). Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Khoa Hồi sức tích cực chia sẻ, sau khi huy động tối đa mọi hỗ trợ, đáp ứng của bệnh nhân vẫn rất thấp, các bác sĩ vô cùng lo lắng, gần như túc trực 24/24 bên cạnh bệnh nhân.

May mắn, sau 4 ngày chạy ECMO, ông bắt đầu đáp ứng với thuốc điều trị và có tiến triển tốt hơn. Đến trưa 3/9, bệnh nhân được ngừng ECMO, chuyển sang thở máy xâm nhập, sau đó chuyển thở oxy kính.

Trường hợp nặng còn lại là bệnh nhân 1045 (nam, 72 tuổi, ở xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc, Hải Dương). Ông khởi bệnh với sốt, đau đầu, mệt mỏi ngày 19/8. Đến ngày 30/8, bệnh nhân nhập viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tại đây. Ngày 1/9, kết quả từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy người này dương tính với SARS-CoV-2.

Sau đó, bệnh nhân được chuyển cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Ngay khi được chuyển từ địa phương lên Khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân 1045 đã có tình trạng rất xấu. Thời điểm nhập viện, ông suy hô hấp nặng, phải lập tức đặt ống thở máy. Ngoài ra, bệnh nhân cũng bội nhiễm thêm các vi khuẩn khác ngoài SARS-CoV-2.

Các bác sĩ đánh giá ông là ca có tiên lượng rất nặng bởi người bệnh cao tuổi, lại mắc bệnh nền như phì đại tiền liệt tuyến, thoát vị cột sống cổ. Ngày đầu, ông có nguy cơ phải chạy ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo), tuy nhiên sau đó đã đáp ứng tốt thở máy, tình trạng cải thiện.

Sau 8 ngày điều trị, thở máy xâm nhập, tình trạng phổi của bệnh nhân được cải thiện, chuyển hỗ trợ thở máy ở mức thấp, sau đó được cho thở oxy. Đến ngày 14/9, bệnh nhân đã có thể dừng thở oxy. 
Đến hôm nay, bệnh nhân 793 và bệnh nhân 1045 đều đã có thể tự đi lại, sinh hoạt bình thường, 3 lần liên tiếp âm tính SARS-CoV-2, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh theo quy định của Bộ Y tế.

Ngoài 2 ca nặng, trong hôm nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương công bố khỏi bệnh cho 3 ca COVID-19 khác, gồm bệnh nhân 794 (nam, 2 tuổi, xã Yên Định, huyện Sơn Động, Bắc Giang), bệnh nhân 751 (nam, 45 tuổi, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) và bệnh nhân 811 (nữ, 33 tuổi, xã Yên Định, huyện Sơn Động, Bắc Giang). Bệnh nhân 794 và 811 lần lượt là cháu nội và con dâu của bệnh nhân 793. Gia đình ông có tất cả 6 người mắc Covid-19 sau chuyến du lịch Đà Nẵng, hiện còn 1 người chưa khỏi bệnh.

TIN LIÊN QUAN
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).