Đây là lần đầu tiên S&P's tiến hành khảo sát 100 công ty lớn nhất khu vực Đông Nam Á về sự phát triển chất lượng tín dụng, đòn bẩy tài chính, chi tiêu vốn và chiến lược doanh nghiệp trước thời điểm thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2015.
Trong danh sách này, Malaysia có tới 23 doanh nghiệp, Singapore có 21 doanh nghiệp, Thái Lan có 19 doanh nghiệp, Philippines có 16 doanh nghiệp, Indonesia có 15 doanh nghiệp.
Vingroup và Vinamilk là 2 đại diện Việt Nam trong top 100 doanh nghiệp lớn nhất ASEAN. |
Cụ thể, Vingroup có vốn hóa tính đến cuối tháng 8/2014 đạt 3,4 tỷ USD được đánh giá là một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu tại Việt Nam, với thông tin được công bố minh bạch theo quy định.
Về triển vọng chung, S&P's đánh giá Vingroup ở mức ổn định, thể hiện quan điểm của hãng về khả năng và sự sẵn sàng đáp ứng các điều kiện tài chính một cách đầy đủ và đúng lúc. Đây được xem là một chỉ báo quan trọng, có độ tin cậy cao và được nhiều chính phủ, các tổ chức phát hành và các nhà đầu tư sử dụng. Doanh nghiệp cũng được S&P's ghi nhận mức doanh thu năm 2013 đạt 18.400 tỷ đồng.
Theo S&P's, Vingroup là công ty đã tạo được chỗ đứng trên thị trường bất động sản Việt Nam, thanh khoản ở mức vừa phải. Sắp tới, tập đoàn này sẽ phải cần thêm nhiều vốn để mở rộng kinh doanh, do mục tiêu tăng trưởng mạnh.
Trong khi đó, Vinamilk được ghi nhận doanh thu năm 2013 đạt 30.900 tỷ đồng. Rủi ro doanh nghiệp được đánh giá vừa phải, và rủi ro tài chính thấp. S&P's nhận xét Vinamilk đã có vị thế thống trị tên thị trường sữa Việt Nam với độ nhận diện thương hiệu cao và lợi nhuận ổn định 5 năm qua. Hãng cũng vay nợ ít và có dòng tiền nhàn rỗi lớn. Tuy nhiên, việc kinh doanh của Vinamilk còn phụ thuộc vào giá nguyên liệu và tỷ giá. Tín nhiệm của công ty này cũng có thể bị ảnh hưởng do Nhà nước vẫn còn cổ phần lớn trong đây.
Nhận xét chung về các công ty Đông Nam Á, Xavier Jean – nhà phân tích tín dụng tại Standard & Poor's cho biết: "Các doanh nghiệp ASEAN đang tăng cường dùng nợ để thúc đẩy tăng trưởng, và có thể còn tiếp tục hoạt động này trong 2 năm tới". Dùng nhiều đòn bẩy sẽ làm tăng rủi ro gặp khó khăn tài chính, phải tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cấu trúc nợ hoặc thậm chí vỡ nợ nếu cạnh tranh nóng lên hoặc tăng trưởng đi xuống.