Không phải chặt cây, bẻ cành là có lộc
Tết đến xuân về là dịp người dân đi lễ chùa và hái một cành lộc nhỏ đem về với quan niệm cành lộc chốn linh thiêng sẽ đem lại tài lộc, may mắn cho cả một năm. Các cụ xưa kia thường đem một nhánh lộc non nhỏ về nhà treo trước hiên hoặc cắm vào bình như một cách “làm phép” hút điềm lành cho cả một năm sung túc.
Tuy nhiên, ngày nay, phong tục tốt đẹp đó của người Việt Nam đã bị biến tướng và nhận thức sai lệch.
Trước hết, nhiều người nghĩ rằng, cành cây càng to, lộc về nhà càng nhiều. Thậm chí, có người còn mang cả dao đi “đốn lộc”. Để có được cành lộc to đẹp, người ta còn trèo cả lên cây cao giữa đêm giao thừa để “hái lộc” mang về.
Hái lộc đầu năm cần được hiểu rõ. Ảnh minh họa.
Hái lộc thế nào cho đúng?
Thực tế, nhiều nhà nghiên cứu cho biết, việc hái lọc non mang lại may mắn chỉ là phong tục, không có cơ sở gì chứng minh cho việc này. Nhưng điều thấy rõ nhất là hái lộc là tàn phá cây cối lại thiếu văn hóa.
Lộc ở đây mang nhiều ý nghĩa. Một là chồi non mới nhú, biểu hiện cho sự sinh sôi, nảy nở, đại diện cho sự phát triển. Thứ hai là tài lộc, cho những điều tốt đẹp, may mắn. Xin lộc không nhất thiết là hái cành lộc non, xin lộc có thể là thắp nén hương trên chùa, cầu xin sức khỏe, may mắn, bình an…
Câu chuyện từ thời vua Hùng sẽ giúp ta hiểu rõ hơn về phong tục hái lộc đầu năm này.
Chuyện xưa kể rằng, nhân một ngày đầu xuân, khi các con đã khôn lớn, Vua Hùng bèn cho vời các Lạc Hầu, Lạc Tướng, thần dân và các con đến truyền dạy rằng: “Nay các con đã khôn lớn, ta muốn các con đi dạy dân làm ăn và trấn cứ các nơi”.
Nghe cha phán truyền, các con đều bịn rịn không muốn chia tay mà muốn ở lại cùng cha mẹ, các Lạc Hầu, Lạc Tướng, dân làng chưa biết tấu trình với Vua thế nào thì Hoàng hậu thưa: “Các con đều luyến mẹ, thương cha không muốn đi xa, tôi nghĩ rằng Nhà vua nên làm lễ tế trời đất rồi dung cách hái lộc chia cho các con… các con ai nhận được cành lộc đi phương nào thì phương ấy mà đi”.
Nghe phải, Vua lệnh truyền cho các Lạc Hầu, Lạc Tướng và các con về nhà nghỉ. Rồi chọn ngày lành tháng tốt, Vua làm Lễ tế Trời – Đất trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh cầu trời đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, muôn dân no ấm.
Chờ lúc sang canh Vua cùng Hoàng hậu vào rừng hái lộc đầu xuân. Sáng sớm, khi mặt trời xuất hiện đằng Đông, Vua vời các con chia cho mỗi người một cành lộc và dạy rằng:
Non ở nhà, già đi ấp
Chẵn lên non, còn xuống biển
Các con hãy mang cành lộc này đi trấn giữ các phương răn dạy dân làm ăn trên đường đi nếu gặp điều gì không may, các con hãy mang cành lộc còn đượm sương sớm này mà vẩy lên trời thì thú dữ, ma tà sẽ bỏ chạy không hại được các con.
Y lệnh Vua, các con quỳ lạy cha mẹ nhận cành lộc chia nhau đi trấn giữ các miền, Vua cả mừng truyền cho dân làng mở hội để tiễn các con lên đường.
Như vậy, tục xưa là chân thành “xin lộc” chứ không phải phũ phàng bẻ cành. Nhưng hiểu cho đến chỗ tinh diệu của tục xin lộc thì thấy : “Muốn hái lộc thì phải gieo mầm, làm nhiều điều tốt lành là gieo phúc thì lộc sẽ ào ạt về nhà chứ đâu phải mấy chồi cây rồi tranh nhau cướp phá làm đau cây, đau đời”.
Những năm gần đây, người dân đã có sáng kiến dùng mía tím cả cây có ngọn thay lộc, thay thế một phần nạn bẻ lộc, hại cây đầu xuân. Mang một cây mía tím có ngọn, vừa mang được chồi lộc vừa mang vị ngọt về nhà cho sinh sôi nẩy nở và đậm đà cả năm, vừa giữ gìn được cảnh quan chung, cũng là gìn giữ một phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của làng ta.
An Mai