Như vậy, hai ngày qua, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn đến hết ngày 31/10, đã có 52 lượt đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn và 32 lượt đại biểu tranh luận đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, 16 Bộ trưởng, Trưởng ngành gồm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công an, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lao động, Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông.
Các nội dung chủ yếu được đưa ra chất vấn sôi nổi tại hội trường gồm: Công tác phòng, chống tội phạm ma túy; chất lượng xét xử; áp dụng án treo giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; chất lượng công tác kiểm sát, thực hành quyền công tố.
Vấn đề xử lý nợ đọng thuế; quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA; quản lý hóa đơn; quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý đất đai trước và sau cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; thanh toán các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT); thu phí BOT giao thông; cắt giảm điều kiện, thủ tục đầu tư kinh doanh cũng được nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi.
Bên cạnh đó là những vấn đề như giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển các sản phẩm chủ lực; thị trường đầu ra cho nông sản; chống phân bón, vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng; phòng, chống dịch bệnh chăn nuôi; kiểm soát đánh bắt thủy sản trái phép; xây dựng nông thôn mới; bảo đảm an toàn hồ, đập thủy lợi.
Về y tế, các đại biểu tranh luận xung quanh công tác khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế; tăng cường y tế cơ sở; điều trị tại phòng khám đa khoa khu vực; kiểm soát chất lượng thuốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng; quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Tiếp theo là công tác quản lý thị trường; xử lý các dự án thua lỗ; hiệu quả các dự án bô-xít Tây Nguyên; phòng vệ thương mại, bảo vệ, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển thị trường nội địa.
Trong công tác quản lý đất đai, hoàn thiện pháp luật về đất đai; xử lý ô nhiễm môi trường các lưu vực sông, xử lý tro, xỉ than của các nhà máy nhiệt điện; nhập khẩu phế liệu; giải pháp, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng được nhiều đại biểu Quốc hội trao đổi.
Về giáo dục đào tạo, nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra ý kiến tranh luận việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông; công tác điều chuyển, luân chuyển giáo viên; đào tạo nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhiều vấn đề khác cũng được đưa ra tranh luận trong hai ngày qua như: Xây dựng Chính phủ điện tử; quản lý nhà nước trên môi trường mạng; xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc, xúc phạm cá nhân trên không gian mạng; xử lý sim rác; Bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản, bản sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số; liên kết vùng, khai thác và phát triển du lịch;
Công tác tiếp công dân; khắc phục chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra; Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn; an sinh xã hội; thực hiện chính sách đối với người có công; chống trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội… cũng là vấn đề được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và đưa ra ý kiến chất vấn.
Ngày 1/11, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường về chất vấn và trả lời chất vấn.