Từ tháng 5 đến tháng 12, khoảng 300 hiện vật trong bộ sưu tập An Biên (các hiện vật đã có hồ sơ khoa học) sẽ được trưng bày. Các hiện vật này có niên đại từ văn hóa Đông Sơn đến quốc gia Đại Việt thế kỷ 19, trong đó có 18 hiện vật là Bảo vật Quốc gia.
Dịp này, thành phố sẽ trưng bày sưu tầm hiện vật bằng vàng gắn liền tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt và đặc biệt là tín ngưỡng của nhân dân Hải Phòng, như: Lá trầu, quả cau,... Đây là những hiện vật gắn liền với tín ngưỡng thờ Thành Chân công chúa (Nữ tưỡng Lê Chân) người đặt nền móng hình thành nên thành phố Hải Phòng ngày nay, được nhân dân tôn kính suy tôn là Thánh Mẫu, là Thành hoàng của thành phố. Đây là những hiện vật lần đầu tiên được đưa ra trưng bày cho nhân dân, khách tham quan thưởng ngoạn và chiêm bái.
Quang cảnh Hội nghị. |
Được biết, khoảng 300 hiện vật này đều thuộc sở hữu của nhà sưu tầm cổ vật Trần Đình Thăng (Tổng Thư ký Hội Cổ vật Hải Phòng). Ông Thăng hiện sở hữu khoảng 500 hiện vật và là cá nhân sở hữu nhiều bảo vật quốc gia nhất trên cả nước. Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định công nhận 29 bảo vật quốc gia (đợt 12, năm 2023), trong đó, 3 bảo vật nằm trong bộ sưu tập An Biên của ông Trần Đình Thăng.
Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đánh giá, sự kiện tổ chức trưng bày 300 hiện vật có ý nghĩa văn hóa quan trọng với thành phố Hải Phòng. Đây là minh chứng rõ nét cho bề dày lịch sử của thành phố.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đánh giá cao ông Trần Đình Thăng đã góp phần bảo vệ di sản văn hóa, tránh bị hủy hoại và ngăn chặn bán cổ vật trái phép ra nước ngoài. Việc Nhà nước công nhận các hiện vật sở hữu tư nhân là bảo vật quốc gia góp phần tôn vinh, khuyến khích cá nhân có công trong bảo vệ di sản văn hóa dân tộc./.