Tính đến ngày 17/4, tổng dung tích 21 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận còn 120 triệu m3/194 triệu m3, bằng 62% dung tích thiết kế. Riêng hồ Đơn Dương (Lâm Đồng), nguồn cung cấp nước chính cho tỉnh Ninh Thuận còn chưa đầy 101 triệu m3/dung tích thiết kế165 triệu m3. Thời điểm hiện tại, lưu lượng xả của hồ xấp xỉ 25 m3/s, trong khi lượng nước đến chỉ là 5,4 m³/s.
Hiện tại, 9 hồ chứa nước có dung tích nhỏ, gồm Phước Trung, Phước Nhơn, Bầu Zôn, Tà Ranh, Bầu Ngứ, Suối Lớn, Ông Kinh, CK7, Ma Trai trong tình trạng cạn kiệt, trong đó hồ Ông Kinh đã khô trắng đáy. Người dân bắt đầu đào giếng dưới lòng hồ. 11 hồ chứa khác là Sông Sắt, Trà Co, Cho Mo, Sông Trâu, Bà Râu, Ba Chi, Lanh Ra, Sông Biêu, Tân Giang, Nước Ngọt, Thành Sơn phải ngừng cấp nước sản xuất, ưu tiên nước phục vụ sinh hoạt cho dân và nước uống gia súc.
Nhiều khu vực trong tình trạng đồng khô, cỏ cháy... Dê, cừu gặm mót từng ngọn cỏ khô |
Nắng chói chang và không có mưa khiến các hồ và sông suối trên địa bàn đang tiếp tục giảm lưu lượng nhanh chóng.
Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Thuận, khu vực ven biển từ tháng 4-8/2018, lượng mưa phổ biến ở mức thấp hơn TBNN (xác suất 65%). Tổng lượng mưa trong 5 tháng này khả năng sẽ chỉ là 240-290mm.
Thiếu thức ăn và nước uống, đàn gia súc gầy giơ xương, bắt đầu suy dinh dưỡng |
|
Khô hạn đang khiến cho nhiều vùng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận lâm vào cảnh đồng khô cỏ cháy. Đã bắt đầu xuất hiện tình trạng dê, cừu chết hàng loạt vì suy dinh dưỡng từ chỗ thiếu thức ăn và nước uống. 20 xã ven biển thuộc các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc và TP. Phan Rang- Tháp Chàm đang xảy ra xâm nhập mặn. Ít nhất 48 ha đất sản xuất nông nghiệp phía ngoài đê Sông Dinh, phía Đông TP. Phan Rang- Tháp Chàm đã ghi nhận bị nhiễm mặn. Toàn tỉnh đã xảy ra 14 điểm cháy rừng/diện tích bị hơn 6ha. Cảnh báo cháy rừng đang ở cấp độ 4, cấp rất nguy hiểm. Gần 10 nghìn dân, chủ yếu tại các xã Phước Thành, Phước Trung (Bác Ái); Ma Nới (Ninh Sơn) có nguy cơ ”đứt” nước sinh hoạt.
Ruộng đông nứt nẻ |
Cỏ tươi, nước uống cho gia súc, ở nhiều vùng giờ cũng trở thành điều xa xỉ |
Đài khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Thuận, cảnh báo, khả năng hạn hán tại Ninh Thuận sẽ kéo dài đến tháng 9. Hạn hán gay gắt, kéo dài sẽ gây thiếu nước sinh hoạt, ô nhiễm môi trường, thiếu thức ăn, nước uống... giảm sức đề kháng nên rất dễ phát sinh dịch bệnh trên người và vật nuôi.
Nước sinh hoạt đang trở nên khan hiếm |
Tỉnh Ninh Thuận đã lên phương án đối phó với hạn hán. Cùng với việc đẩy nhanh đầu tư, sửa chữa hệ thống cấp nước sinh hoạt; theo dõi, quan trắc diễn biến các nguồn nước; tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên người, cây trồng và gia súc,... tỉnh Ninh Thuận cũng đã chủ động kế hoạch bơm nước, chở nước sinh hoạt phục vụ người dân.
Mặt khác, lên phương án dừng sản xuất vụ Hè thu trên diện tích gần 6.500 ha và chuyển đổi sang cây trồng sử dụng ít nước đối với hơn 700 ha khác, trong trường hợp hạn hán diễn biến bất lợi.
Theo Bảo Vệ Pháp Luật