Hàng Đào còn có nhuộm điều?
Thăng Long – kẻ chợ, biệt danh mà không cần giải thích, ai cũng thấy được tính chất thương mại của khu vực phố cổ Hà Nội. Nằm ở phía đông của Hoàng Thành Thăng Long, một bên kéo đến sát bờ sông Hồng, từ xưa, phố cổ Hà Nội đã đóng vai trò là trung tâm giao thương sầm uất, tập trung những phường nghề nổi tiếng đến từ các vùng đất khác nhau từ hàng trăm năm nay. Từng được Nguyễn Trãi ghi “Phường Hàng Đào nhuộm điều” để chỉ nghề nhuộm màu tơ lụa vào những năm thế kỷ 15. Trong thế kỷ 20, phố Hàng Đào là một đường trục kéo dài, tập hợp các nhà may, cửa hàng nổi tiếng, chuyên buôn bán các loại tơ lụa truyền thống cho đến các mặt hàng vải vóc nhập từ phương tây. Truyền thống đó được kéo dài đến ngày nay với việc mở rộng các cửa hàng đến phố hàng Ngang, hàng Đường và kéo dài đến chợ Đồng Xuân. Từ những năm cuối thế kỷ 20, các cửa hàng, cửa hiệu dọc các phố này chuyển dịch dần sang bán các mặt hàng từ Trung Quốc và trở thành trung tâm bán buôn thời trang, quần áo về các tỉnh phía bắc.
Sầm uất là vậy, nhưng quãng từ năm năm trở lại đây, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường chỉ còn đông người đi lại qua phố nhưng vắng khách bán buôn. Chị Thúy – người phụ nữ gốc phố Hàng Bông, lấy chồng nhà phố Hàng Đường giờ đã chuyển lên vùng Quảng An (Hồ Tây) sinh sống. Ngôi nhà chung của 3 anh em nhà chồng chị có không gian cửa hàng quãng 30 m2, không phải là nhỏ ở khu hàng này. Đây không chỉ là nơi sinh sống bao thế hệ của gia đình, còn là chốn kiếm tiền mơ ước của bao người dân Hà nội. Ngôi nhà ấy đã từng không chỉ duy trì nguồn thu nhập vô cùng dồi dào làm nguồn sinh dưỡng cho cả một đại gia đình, nó còn là niềm tự hào về truyền thống bán buôn, là sự an tâm, nơi trú ẩn của đại gia đình trước mỗi biến cố kinh tế… Căn nhà giờ vẫn còn, nhưng đã thuộc về người chủ mới. 3 anh em nhà chồng chị giờ mỗi người ở một nơi mới, rộng rãi hơn, thoáng đãng hơn, tự do hơn nhưng không còn tiếng nói cười của khách, tiếng mặc cả, tiếng xe đi lại của người đi chợ như trước…
Không chỉ nhà chị Thúy, có đến một phần ba các gia đình Hà Nội gốc ở dọc phố này đã bỏ phố sang Gia Lâm, lên vùng Hồ Tây sinh sống, bán lại cơ ngơi trăm năm lịch sử cho những người mới từ các tỉnh về.
Chào thua Ninh Hiệp
Lý do cho cuộc đổi thay này cũng không quá khó hiểu khi cách Hà Nội chưa đầy 15 cây số, một trung tâm thời trang khác đã soán ngôi Hàng Đào, Hàng Đường. Đó chính là chợ vải Ninh Hiệp. Xuất phát từ việc bán buôn vải giá rẻ cho các phân khúc khách hàng thấp, Ninh Hiệp giờ đã vươn lên, trở thành trung tâm thương mại, cung cấp đủ các mặt hàng liên quan đến may mặc: vải, rèm, quần áo, phụ kiện thời trang… cho các đối tượng khách hàng khác nhau và nguồn hàng được nhập khẩu từ Trung Quốc. Giải thích cho sự chuyển dịch của khách hàng từ phố cổ sang Ninh Hiệp, chị Thúy cười buồn: “Cái gì Ninh Hiệp cũng hơn thì làm sao Hàng Ngang, Hàng Đường còn khách?”
Ngược với phố cổ vốn tập trung chính ở quần áo, hàng hóa ở Ninh Hiệp vô cùng phong phú, số lượng gian hàng lớn, cửa hàng rộng rãi khiến cho khách thoải mái lựa chọn, đi cả ngày mới hết chợ. Trong khi đó, giá nhà phố cổ thuộc diện siêu đắt đỏ, kéo theo tiền thuê cửa hàng cao chót vót, khiến cho giá hàng hóa của Hà Nội không thể rẻ như ở Ninh Hiệp. Khách mất dẫn cũng vì thế.
Phố cổ chật chội, chỗ để xe máy không có, xe hơi lại càng bí. Trong khi đó, chợ Ninh Hiệp ngày càng mở rộng quy mô, có bãi đậu xe rộng rãi, không phải lo chuyện chỗ đỗ xe cộ bí bách và giá gửi xe cao như Hà Nội. Các nhà buôn hàng giờ chọn Ninh Hiệp thay vì vào trung tâm Hà Nội cũng bởi thêm lẽ, chở hàng từ Hà Nội đi không thuận tiện khi phải luồn lách trong phố xá nhỏ hẹp, mật độ phương tiện cao, đi lại phức tạp trong khi đó, từ Ninh Hiệp ra đường lớn chỉ một đoạn ngắn, vô cùng tiện đi các tỉnh.
Ở Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường bây giờ, khách hàng mua buôn quần áo ngày càng thưa thớt Một số nhà nhanh nhạy thì tranh thủ bán hàng chợ Đêm phố cổ hoặc cho thuê nhà làm khách sạn, cửa hàng để sang khu khác ở. Một phần khác thì chọn phương án như nhà chị Thúy, bán rồi anh em chia nhau. Lời lãi bán hàng càng ngày càng đi xuống, lúc chia cho 3 gia đình xong cũng chẳng còn được bao nhiêu mà hơn chục con người lại phải sống chật chội, líu ríu.
Những ngày này, Hàng Ngang, Hàng Đào lại thêm lặng lẽ hơn. Nhiều chủ hàng không cầm cự được vì khủng hoảng Covid đã phải trả cửa hàng. Giá thuê một căn mặt phố rộng 30 m2 trước đây không bao giờ dưới 100 triệu đồng, giờ rơi xuống trên dưới 60 triệu mà vẫn không có khách thuê.
Chị Thúy giờ đã mở một quán café nhỏ trong khu xóm Chùa – Quảng An. Cũng có mấy người bạn cùng hàng phố theo chị mua nhà gần đó. Về đây yên tĩnh quá, vốn quen với lối sống hàng phố, chị thấy nhớ tiếng ồn ã ngày đêm của xe cộ, tiếng rao hàng, tiếng hỏi thăm í ới của bà chủ hàng bên cạnh. Trên tường nhà chị vẫn treo những bức tranh phố cổ Hà Nội ngày nào…