Cụ thể, ông Adnan Kazim - Giám đốc Thương mại của Emirates, cho biết nhu cầu đi lại toàn cầu đang vượt quá mức công suất so với trước khi đại dịch bùng phát.
"Chúng tôi đã khôi phục 85% công suất đi lại ở Trung Quốc so với trước COVID-19 và thị trường này có thể tiếp nhận tới 5 chuyến bay hàng ngày của Emirates trở lên", ông Kazim nói và cho biết thêm hãng Emirates đặt mục tiêu tăng công suất khai thác các tuyến trên toàn cầu lên 90% vào mùa hè năm 2023.
Các hoạt động của Emirates ở châu Á đã tăng tốc chậm hơn so với châu Âu và Trung Đông do một số chính phủ chậm nới lỏng các quy định phòng dịch. Ban lãnh đạo Emirates hiện nhận thấy nhu cầu mạnh mẽ ở thị trường Trung Quốc đại lục.
“Cạnh tranh hàng không ở châu Á rất lành mạnh và nhu cầu di chuyển ở châu Á đang lớn hơn nhiều so với mức mà các hãng hàng không cung cấp", ông Kazim chỉ ra.
Emirates khai thác 440 chuyến bay hàng ngày, tương đương với 1,3 triệu ghế mỗi tuần.
“Vào cuối năm tài chính này (vào ngày 31/3 năm 2024), chúng tôi đặt mục tiêu hoạt động gần như hết công suất và tần suất chuyến bay đầy đủ", ông Kazim thông báo.
Vị này cho biết Emirates đang phải đối mặt với vấn đề gia tăng chi phí, bao gồm nhiên liệu, phục vụ ăn uống, xử lý mặt đất và giá vé quá cảnh, hoặc phí do các quốc gia tính khi đi qua không phận của họ, nhưng cho biết hãng hàng không của UAE đang cố gắng tránh đặt gánh nặng giá cả lên khách hàng.
Lãnh đạo của Emirates cũng thừa nhận rằng quá trình chuyển đổi sang nhiên liệu thân thiện với môi trường đang diễn ra chậm hơn đối với các hãng hàng không so với các ngành khác, chỉ ra rằng rằng hydro là một lựa chọn tốn kém và nhiên liệu hàng không bền vững vẫn cần thử nghiệm nhiều hơn.